Dấu ấn y tế Việt Nam qua những ca đại phẫu - Bài 1: Dấu ấn Thầy thuốc nhân dân Dương Quang Trung

LTS: Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 65 năm ngành Y tế Cách mạng Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, 3 năm ngành y tế thực hiện nghị quyết của Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Từ sau năm 1975, lĩnh vực phẫu thuật điều trị tại Việt Nam ngày càng phát triển, sánh ngang với các nền y tế tiên tiến thế giới, song vẫn bảo đảm được sự sáng tạo, hiệu quả, tiết kiệm phù hợp với tình hình đất nước. Mời bạn đọc cùng Báo SGGP gặp gỡ những người đã làm vang danh ngành y tế nước nhà qua các ca đại phẫu.

Bằng góc nhìn và cảm nhận của người trẻ hôm nay, chúng tôi xin mở đầu loạt bài “Dấu ấn y tế Việt Nam qua những ca đại phẫu” bằng những khắc họa về Thầy thuốc nhân dân - Viện sĩ - Tiến sĩ - Bác sĩ Dương Quang Trung. Khi nhìn lại những thành tựu y tế ở TPHCM và cả nước hôm nay, rất nhiều những thành tích, thậm chí là kỳ tích đều mang một dấu ấn của Thầy thuốc nhân dân Dương Quang Trung.

Dấu ấn y tế Việt Nam qua những ca đại phẫu - Bài 1: Dấu ấn Thầy thuốc nhân dân Dương Quang Trung ảnh 1 Thầy thuốc nhân dân Dương Quang Trung tiếp đoàn Đại sứ quán Pháp ngày 13-10-2010.
Ảnh: TƯ LIỆU

1. Những giải thưởng, danh hiệu cao quý, hay học hàm, học vị không phải là điều chủ yếu khi nhắc đến bác sĩ (BS) Dương Quang Trung. Trong những cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với những người từng làm việc, cộng sự cùng ông lúc sinh thời, “chú Tư Trung” hay “ông Tư” là những tên gọi thân mật khi nhắc về ông, đúng như cốt cách hiền từ, chan hòa của một ông già Nam bộ.

Kế nhiệm BS Dương Quang Trung tại Sở Y tế TPHCM, BS Trương Thị Xuân Liễu (nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM) hồi tưởng: “Tôi xem chú Tư Trung như một người cha, người chú, không chỉ trong công việc mà còn ở cách sống. Tôi gặp chú Tư lần đầu tiên là ở trong rừng, một ông già Nam bộ thứ thiệt, bận bộ bà ba đen và khăn rằn”. Sau ngày giải phóng, chú Tư Trung về làm Giám đốc Sở Y tế TPHCM, còn BS Trương Thị Xuân Liễu tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế cộng đồng. BS Xuân Liễu kể: “Ở thời điểm đó, nhiều người cho rằng, chỉ có “bị đì” thì mới về làm ở mảng y tế cộng đồng, nhưng với chú Tư thì khác. Chú Tư tâm niệm, y tế cộng đồng ở cơ sở có tốt thì người dân mới được chăm sóc sức khỏe tốt nhất chứ không phải chỉ chăm chăm vào việc đặc trị hay vào các bệnh viện trong thành phố”.

Những đồng nghiệp và học trò của ông chia sẻ, BS Dương Quang Trung đặc biệt quan tâm đến y tế cơ sở. Theo ông, bên cạnh điều trị chuyên sâu còn phải có một hệ thống y tế cơ sở tốt. Nâng cao sức khỏe, trong định hướng về y tế, nếu chỉ chăm sóc, bảo vệ mà không có phần nâng cao, kéo dài tuổi thọ, tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh là không được. “Thầy có nói, nếu mình xây bao nhiêu bệnh viện đi chăng nữa mà không có hệ thống y tế cơ sở tốt thì bao nhiêu cũng không đủ và không bao giờ giải quyết được hết những tồn đọng”, PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học trò của BS Dương Quang Trung, chia sẻ.

2. “Sau này khi đi theo thầy làm việc, mới thấy chữ tâm của thầy sâu xa lắm. Tôi nghĩ, một trong những điều góp phần thành công cho ngành y tế thành phố này chính là quan điểm “cái tâm thu phục nhân tâm” ở thầy. Thầy đứng ra bảo lãnh những BS chế độ cũ, để làm việc cho hệ thống y tế ở chế độ mới. Thầy quy tụ những BS giỏi giúp dân. Khi thầy làm Giám đốc Sở Y tế, giám đốc các bệnh viện làm rất tốt và khi thầy thành lập trường, thầy quy tụ được những chuyên gia đầu ngành, xây dựng những chương trình phù hợp đáp ứng được những đặc thù của thành phố”, PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp nói.

Về giai đoạn này, BS Dương Quang Trung từng nói: “Nhớ lại những ngày đầy thử thách sau giải phóng, chúng ta phải đối diện với cuộc bỏ nước ra đi của hàng ngàn BS, dược sĩ tại TPHCM. Cứ mỗi sáng họp giao ban ở Sở Y tế, danh sách BS ra đi cứ kéo dài thêm ra mà chưa có điểm dừng. Anh Sáu Dân (Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt lúc đó) đích thân đến sở bàn bạc thâu đêm, để tìm cách giữ lại đội ngũ BS cho thành phố. Chúng ta giữ họ lại, không phải chỉ bằng tấm lòng, bằng niềm tin, mà ngay cả việc phải tháo gỡ để họ có cuộc sống yên ổn, con cái được học hành”. Bằng những việc làm quyết liệt của lãnh đạo TPHCM và người đứng đầu ngành y tế lúc ấy, thành phố đã giữ được những BS đầu đàn và có được đội ngũ BS giỏi trong chuyên môn và quản lý như: Nguyễn Chấn Hùng, Trần Thành Trai, Trần Đông A, Nguyễn Thị Ngọc Phượng…

Và nếu không có sự quyết liệt vào thời điểm đó, sẽ khó có được một ca mổ song sinh Việt - Đức dính liền nhau ở vùng bụng - chậu mang tính lịch sử vào ngày 4-10-1988. Một ca mổ thành công không chỉ về y học mà còn mang ý nghĩa của một sự hội tụ gần 70 trí thức, vốn có nhiều hoàn cảnh và tâm tư khác nhau. Sau này, BS Dương Quang Trung đã kể lại áp lực của người đứng đầu ngành y tế thành phố lúc đó: “Quả là vô cùng áp lực, bởi đè nặng trong lòng tôi không chỉ là mạng sống của 2 cháu Việt - Đức mà còn có sự can đảm để gánh lấy một trách nhiệm trước những tiền lệ chưa từng có. Đó là trọng trách lèo lái một con thuyền mà 80% tay chèo chính bước ra khỏi cánh cổng trại cải tạo không bao lâu, là những sĩ quan quân y chế độ cũ. Điều ấy lúc bấy giờ không hề dễ dàng. Trách nhiệm người đứng đầu ngành y tế thành phố thôi thúc tôi phải nhận lấy trách nhiệm tập hợp, đoàn kết, động viên, thuyết phục họ. Trái tim người thầy thuốc không cho phép tôi được quay lưng trước sự sống - dù còn rất mong manh - của 2 sinh mạng tật nguyền”.

3. “Mấy con đã chọn ngành này, đầu tiên là phải có cái tâm với nghề, sẽ rất khó khăn, sẽ rất gian khổ nhưng mình phải đặt cái tâm lên hàng đầu”. Sau 26 năm có mặt ở giảng đường hôm ấy, PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp vẫn nhớ rất rõ những lời dặn dò nhẹ nhàng nhưng rất quyết liệt của thầy gửi đến những sinh viên vừa trúng tuyển vào Trường Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM (nay là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch).

PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp trải lòng, anh có may mắn được làm việc với thầy, học được “nhân tâm” của thầy. Thầy dặn, khi làm quản lý, không thể nào mà không sai được, nhưng thấy sai rồi là bắt buộc phải sửa. Đó là nguyên tắc của nhà quản lý. Nếu thấy sai rồi mà cứ để cái sai tồn tại là không được. 

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được khai sinh bởi BS Dương Quang Trung và những người có tâm huyết muốn phát triển một trường đào tạo nguồn nhân lực y tế cho TPHCM và cả nước. Như vậy, phải tạo được môi trường học thuật để các em được học tốt trên cái nền mà thầy nói “vừa hồng vừa chuyên”, tức là vừa giỏi tay nghề và vừa có tâm với bệnh nhân. Nhiều dự án mà nhà trường đã và đang phát triển cũng nhằm theo hướng phát triển của BS Dương Quang Trung, là hướng đến phát triển một trường đại học cân bằng giữa đào tạo điều trị và dự phòng.

BS Dương Quang Trung nhìn ra được vấn đề nguồn nhân lực y tế còn thiếu và yếu. Triết lý của ông là đào tạo BS đa khoa, BS tổng quát hướng tới cộng đồng. BS Dương Quang Trung là người tạo ra mô hình Bệnh viện Nhân dân 115 - Viện Tim. Ông muốn mô hình này có một khuôn viên, trường học, các bệnh viện thuộc trường. Mà bệnh viện có các chuyên khoa sâu như: Viện Tim, Viện Thần kinh, Viện Thận… tất cả đều thuộc trường, để nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật mới. “Tiếc là mô hình đó đến nay vẫn đang làm nhưng chưa thành mô hình chuẩn, trong đó có bệnh viện thuộc trường. Chúng tôi mong muốn thực hiện tâm huyết của thầy, xây dựng bệnh viện thuộc trường và phải xứng tầm”, PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ.

 “Trước khi mất, chú còn đem đến cho tôi một đề án nghiên cứu về y tế cộng đồng và sẽ thực hiện thí điểm ở quận 10. Sau đó chú bệnh, không bao lâu rồi mất…”, BS Trương Thị Xuân Liễu xúc động nói. Đó là sự mất mát lớn cho ngành y tế TPHCM, nhưng có lẽ hôm nay và về sau, khi nhắc đến Thầy thuốc nhân dân - Viện sĩ - Tiến sĩ - Bác sĩ Dương Quang Trung, thế hệ hậu bối sẽ mãi khắc ghi một con người đã sống trọn vẹn tâm - tài cho ngành y, để lại cho ngành y tế TPHCM một dấu ấn Dương Quang Trung với nhiều đóng góp đi đầu.

Tin cùng chuyên mục