Dầu giảm, nền kinh tế được lợi

Tại cuộc tọa đàm "Biến động giá dầu và Tác động đến kinh tế Việt Nam" do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư  tổ chức sáng 6-2, TS Lê Việt Trung (Viện Dầu khí Việt Nam) cho rằng giá dầu trong năm 2015 có thể chỉ dao động trong phạm vi 60 USD và đến năm 2016 mới có thể tăng lên mức 70 USD/ thùng. Nhưng dù giá dầu có hạ xuống đến 50 USD/thùng cũng không ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

(SGGPO).- Tại cuộc tọa đàm "Biến động giá dầu và Tác động đến kinh tế Việt Nam" do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư  tổ chức sáng 6-2, TS Lê Việt Trung (Viện Dầu khí Việt Nam) cho rằng giá dầu trong năm 2015 có thể chỉ dao động trong phạm vi 60 USD và đến năm 2016 mới có thể tăng lên mức 70 USD/ thùng. Nhưng dù giá dầu có hạ xuống đến 50 USD/thùng cũng không ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Thậm chí, theo TS Trung, trong lúc doanh nghiệp đang khó khăn như hiện nay, việc giá dầu thế giới giảm cơ bản là một thuận lợi, một dịp may hiếm có để tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015.

Có cùng quan điểm này, TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia dự báo cụ thể: nếu giá dầu ở 50 USD/thùng tăng trưởng GDP sẽ tăng 0,78%, lạm phát tăng 0,23%, tổng thu thuế sẽ giảm 3.137 tỷ đồng. Giá dầu 40 USD/thùng tăng trưởng GDP sẽ tăng 0,91%, lạm phát tăng 0,26%, tổng thu thuế sẽ giảm 4.160 tỷ đồng. Trường hợp giá dầu 30 USD/thùng, GDP sẽ tăng 1,04%, trong khi lạm phát tăng 0,29% và tổng thu thuế giảm 5.228 tỷ đồng.

Tuy nhiên, TS Khôi cũng dự đoán, công nghệ dầu đá phiến của Mỹ sẽ “làm thay đổi cuộc chơi dầu khí của thế giới trong thời gian tới”. Bên cạnh đó, cũng phải tính tới xu hướng sử dụng các công nghệ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuyến (Bộ Tài chính) dự báo giá dầu năm 2015 cũng chỉ ở quanh mức 50 – 60 USD/thùng và chưa chắc sẽ tăng trong vòng một vài năm tới đây. Ông cũng cho biết thêm, thuế nhập khẩu ở mức cao sẽ bù đắp cho phần xuất khẩu dầu thô bị thâm hụt.

Trên thực tế, từ tháng 1 đến tháng 7-2014, giá dầu luôn ở mức độ ổn định, không biến đổi nhiều. Tuy nhiên, đến tháng 11 khi các nước OPEC quyết định không cắt giảm sản lượng, giá “lao dốc”, có lúc xuống đến 45 USD/ thùng, thấp hơn mọi dự báo. Nhìn chung, điều này đã khiến một số quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nga, một nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, bị thâm hụt ngân sách tới 50% trong năm 2014. Tuy nhiên, các nước nhập khẩu như Nhật Bản, Trung Quốc… đang được hưởng lợi.

Trước đó, báo cáo từ hai chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái và Bùi Trinh cho thấy, việc giá xăng dầu giảm 20% có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 1,8 đến 2,2%. Theo dõi diễn biến giá dầu thế giới thì thấy có nhiều “cú sốc “ đã từng xảy ra, đặc biệt là năm 1986, 1998 và 2008. Riêng  năm 2008 chứng kiến biến động tới 60% và thời gian diễn ra lâu nhất: hơn 500 ngày.


ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục