Kẻ lừa đảo thành lập những công ty ma, tồn tại trong thời gian ngắn rồi biến mất mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. Những công ty ma này thực hiện những hoạt động dịch vụ việc làm, nhưng không có giấy phép kinh doanh hay giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Những vi phạm này thuộc sự điều chỉnh của pháp luật về lao động, vì thế những đối tượng có hành vi vi phạm thường sẽ chỉ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, Điều 4 Nghị định 88/2015/NĐ-CP (về sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) quy định phạt tiền từ 45 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi hoạt động dịch vụ việc làm không có giấy phép, hoặc sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn. Ngoài ra, những đối tượng lừa đảo mạo danh doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, còn bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là trả lại cho người lao động khoản phí dịch vụ việc làm đã thu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý những đối tượng này gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại, dẫn đến vấn đề lừa đảo chưa bao giờ có hồi kết.
Để tránh bị lừa đảo, người cần tìm việc làm nên cẩn trọng chọn lọc. Đối với những thông tin tuyển dụng không ghi rõ địa chỉ và thông tin về doanh nghiệp thì nên bỏ qua. Các tin tuyển dụng có mức thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung mà thời lượng làm việc lại ít hơn mặt bằng chung (việc nhẹ mà lương cao) thì không nên tiếp cận. Trường hợp các tin tuyển dụng có cung cấp thông tin về nhà tuyển dụng thì cần phải kiểm tra xem địa chỉ có chính xác không, trang web có đáng tin cậy không. Bất kỳ nhà tuyển dụng nào đòi hỏi về tiền cọc, tiền giữ chỗ..., thì chứng tỏ đó là nhà tuyển dụng lừa đảo. Một lời khuyên dành cho các bạn cần tìm việc là đừng vì muốn tìm việc làm lương cao mà lao đầu vào, cần cảnh giác để tránh những tình huống không hay xảy ra, dẫn đến mất mát về tài sản không đáng có.