Đầu tư đường cao tốc: Vẫn phải cân đối giữa nhu cầu và nguồn lực

Sau vụ tai nạn làm 3 người thiệt mạng trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, dư luận về đường cao tốc 2 làn xe không có dải phân cách cứng thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Để có cái nhìn thấu đáo về vấn đề này, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Uông Việt Dũng (ảnh), người phát ngôn Bộ GTVT.

4b-7166-3922-588.jpg

* PHÓNG VIÊN: Dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc xây dựng đường cao tốc 2 làn xe không có dải phân cách cứng. Vì sao Bộ GTVT quyết định xây dựng loại đường cao tốc này?

* Ông UÔNG VIỆT DŨNG: Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ưu tiên, bố trí các nguồn vốn đầu tư để hoàn thành mục tiêu xây dựng 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Tuy nhiên, mục tiêu này cần có nhu cầu vốn rất lớn, khoảng 813.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 389.000 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ cân đối được khoảng 66%. Vì vậy, một số tuyến đường cao tốc được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô 2 làn xe.

1g-6107.jpg
Liên Khương - Prenn dài khoảng 19km là tuyến cao tốc duy nhất đang được khai thác tại khu vực Tây Nguyên. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Việc phân kỳ đầu tư sẽ giúp giảm 30%-50% tổng mức đầu tư, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực theo từng giai đoạn, nhất là đối với các dự án triển khai theo phương thức PPP cần giảm chi phí đầu tư, tăng tính khả thi về phương án tài chính. Bên cạnh đó, quy mô phân kỳ đầu tư cũng phù hợp với nhu cầu vận tải khi lưu lượng giao thông chưa lớn (khoảng 5.000-6.000 xe/ngày đêm), đặc biệt hiệu quả với các đường cao tốc kết nối với các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn.

* Nhiều vụ tai nạn liên tiếp xảy ra khiến dư luận đang đặt dấu hỏi về quy chuẩn, chất lượng của các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ?

* Việc phân kỳ đầu tư được thực hiện trên cơ sở định hướng đầu tư phát triển mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021. Trong đó có nêu, trong quá trình triển khai, tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng nguồn lực đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc phân kỳ đầu tư bảo đảm hiệu quả dự án.

4c-copy-5554.jpg
Hiện trường vụ tai nạn trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 người tử vong

Việc phân kỳ đầu tư phải tuân theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, đồng thời có tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như Đức, Thụy Điển, Ireland...

Trong quá trình nghiên cứu phương án đầu tư phân kỳ, Bộ GTVT và các địa phương đã chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ các giải pháp thiết kế nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác, bảo đảm thuận lợi và tận dụng tối đa các công trình khi đầu tư mở rộng theo quy mô quy hoạch.

* Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang đầu tư theo quy mô phân kỳ. Bộ GTVT thực hiện chỉ đạo này như thế nào?

* Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát tổng thể các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ; xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp để nâng cấp lên 4 làn xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Bộ GTVT đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư mở rộng tuyến La Sơn - Hòa Liên (66km) từ 2 làn xe lên 4 làn xe; mở rộng theo quy hoạch 6 làn xe các tuyến Cao Bồ - Mai Sơn (15km) bằng nguồn tăng thu ngân sách năm 2022, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận (51km) theo hình thức PPP.

Đối với tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình (26km), Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Hòa Bình nghiên cứu mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe theo hình thức PPP. Đối với đoạn tuyến Yên Bái - Lào Cai (141km) thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) đang nghiên cứu phương án huy động vốn, hình thức đầu tư mở rộng lên 4 làn xe.

Đối với các đoạn tuyến còn lại, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam theo dõi lưu lượng giao thông, nghiên cứu các giải pháp phù hợp để nâng cao tốc độ khai thác, đảm bảo an toàn.

* Nghĩa là chúng ta vẫn phải chờ thu xếp về nguồn lực. Trong khi chờ đợi, vấn đề an toàn giao thông trên các tuyến sẽ được đảm bảo như thế nào, thưa ông?

* Chúng ta mong muốn có các tuyến đường cao tốc hiện đại, đạt chuẩn năng lực thông hành cao và đảm bảo an toàn. Nhưng như tôi đã nói, nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông còn rất hạn hẹp, chúng ta phải tính toán, cân đối giữa nhu cầu và nguồn lực. Trong thời gian chờ đợi, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, khắc phục ngay những yếu tố bất cập trên các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ trong phạm vi có thể. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trên đường cao tốc. Đồng thời, các cơ quan quản lý, địa phương cần tăng cường tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, tuân thủ các quy tắc lưu thông an toàn trên cao tốc.

GS-TS TRẦN CHỦNG, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho rằng: Chúng ta không nên đổ lỗi cho việc đầu tư phân kỳ. Song, từ vụ tai nạn đáng tiếc trên tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn vừa qua, các cơ quan quản lý cần rà soát, đánh giá, bổ sung các biện pháp điều hành tổ chức giao thông để tăng mức độ an toàn, như tăng cường hệ thống biển báo, thông tin tín hiệu, hệ thống giám sát thông minh tại một số vị trí đặc biệt quan trọng.

Tin cùng chuyên mục