Đầu tư lớn vào pin xe điện


Các quan chức Mỹ vừa cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ phân bổ hơn 3 tỷ USD kinh phí cơ sở hạ tầng để tài trợ cho việc sản xuất pin xe điện. Trước đó, Nhật Bản và các nước châu Âu cũng đã gia tăng đầu tư vào ngành đầy tiềm năng này khi xe điện ngày càng phổ biến.  
Xe điện Tesla của Mỹ trưng bày tại Triển lãm xe điện quốc tế thường niên ở Jeju, Hàn Quốc
Xe điện Tesla của Mỹ trưng bày tại Triển lãm xe điện quốc tế thường niên ở Jeju, Hàn Quốc

Nguồn vốn đầu tư vào pin xe điện tại Mỹ được Bộ Năng lượng nước này phân bổ từ Luật Cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành vào năm 2021. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, khoản đầu tư tập trung vào các sáng kiến mới để tăng tuổi thọ và khả năng tái chế các loại pin dùng cho xe điện.

Theo kế hoạch, Tổng thống Joe Biden muốn một nửa số xe bán ra tại Mỹ vào năm 2030 là xe điện. Đây cũng là mục tiêu mà ông hy vọng tạo thêm nhiều việc làm ở các tiểu bang “chiến trường” bầu cử quan trọng, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước trong bối cảnh thị trường xe điện đang phát triển nhanh để giảm lượng khí thải CO2 gây biến đổi khí hậu. Nhà Trắng cũng xem khoản đầu tư này như biện pháp đảm bảo sự độc lập về năng lượng và giảm áp lực lạm phát.

Reuters dẫn lời ông Mitch Landrieu, điều phối viên về cơ sở hạ tầng của Nhà Trắng, nhận định: “Khi chúng ta đối mặt với giai đoạn tăng giá dầu và khí đốt, điều quan trọng cần lưu ý là xe điện sẽ rẻ hơn trong chặng đường dài đối với các gia đình ở Mỹ”. Khoản tài trợ mới nhất sẽ giúp thiết lập và trang bị thêm cho các nhà máy sản xuất pin xe điện. 

Luật Cơ sở hạ tầng cũng phân bổ thêm hàng tỷ USD để Chính phủ Mỹ mua xe buýt điện và lắp đặt pin sạc. Chính quyền đã hợp tác với các nhà sản xuất như Tesla, General Motors và Ford trong việc đổi mới công nghệ sản xuất pin cho xe điện. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không hướng tới việc khai thác thêm các mỏ khoáng sản mới trong nước để sản xuất lithium, niken, coban - các khoáng chất cần thiết để sản xuất các loại pin xe điện. Một số dự án khai thác khoáng sản này hiện gặp phải sự phản đối của địa phương và bị ràng buộc bởi các quy định pháp lý và môi trường của Nhà Trắng. Theo bà Gina McCarthy, cố vấn khí hậu quốc gia của Tổng thống Joe Biden, Chính phủ Mỹ không khai thác thêm những nguồn tài nguyên này và gia tăng khả năng tái chế các khoáng chất quan trọng. 

Cũng nằm trong xu thế gia tăng đầu tư vào pin xe điện, liên minh sản xuất ô tô Pháp - Nhật là Renault và Nissan vừa thông báo khoản đầu tư khá lớn vào công nghệ pin xe điện trong vòng 5 năm tới. Liên minh cũng bao gồm nhà sản xuất ô tô nhỏ hơn của Nhật Bản là Mitsubishi sẽ chia sẻ việc nghiên cứu công nghệ để giảm chi phí và sản xuất 35 mẫu xe điện với độ bền pin cao hơn vào năm 2030.

Trên bình diện quốc gia, Bộ Công nghiệp Nhật Bản đặt mục tiêu đảm bảo thị phần 20% thị trường toàn cầu pin lithium-ion vào năm 2030. Với mục tiêu này, năng lực sản xuất pin lithium-ion toàn cầu của các công ty Nhật Bản sẽ tăng lên khoảng 10 lần vào năm 2030. 

Liên minh châu Âu (EU), Liên minh pin thuộc EU (EBA) cũng đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng cho phép đáp ứng 90% nhu cầu về pin của EU với các sản phẩm sản xuất trong khối vào năm 2030. Đến năm 2021, đã có 127 tỷ EUR (138,7 tỷ USD) được đầu tư vào việc phát triển chuỗi giá trị sản xuất pin ở châu Âu kể từ khi EBA được thành lập vào năm 2017. Tuy nhiên, để tạo ra một ngành công nghiệp pin tự cung tự cấp cho EU vào năm 2030, sẽ cần 382 tỷ EUR đầu tư bổ sung.

Tin cùng chuyên mục