
Thảo luận về dự án Luật Đầu tư sửa đổi vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu ngày 22-4 vừa qua, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hỏi: “Luật này liệu có giúp kiểm soát được những tiêu cực hiện nay của khu vực FDI không?”.
Sau những con số ấn tượng
Theo số liệu thống kê, vốn FDI đăng ký vào nước ta tuy lúc cao, lúc thấp, nhưng xu hướng chung vẫn là tăng trưởng, với “đỉnh cao” lên tới 72 tỷ USD vào năm 2008. Quan trọng hơn, vốn FDI thực hiện 4 năm gần đây đã vượt 10 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội. Tính chung, số vốn FDI thực hiện trong 1/4 thế kỷ trở lại đây đã đạt khoảng 120 tỷ USD.
Tỷ trọng đóng góp vào GDP của khối FDI tăng dần theo từng năm, hiện đạt khoảng 20%; tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 70%; góp phần tạo ra trên 2 triệu việc làm trực tiếp và 3 - 4 triệu việc làm gián tiếp. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Đầu tư nước ngoài đã có tác động tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành trong nền kinh tế cũng như cơ cấu nội bộ từng ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Tuy vậy, chỉ nhìn vào những số liệu ấn tượng kể trên, nhiều nhà kinh tế vẫn bày tỏ thái độ thận trọng. Một cán bộ quản lý cấp Vụ trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý: “Muốn biết nền kinh tế quốc dân thực sự được hưởng lợi bao nhiêu thì bên cạnh GDP, cần quan tâm đến số liệu về GNP (tổng thu nhập quốc dân). Có một thực tế là GNP của Việt Nam đã không tăng đồng tốc với GDP, điều đó chứng tỏ một phần lợi nhuận rất lớn đã được các nhà đầu tư nước ngoài chuyển về mẫu quốc. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của khối này rất lớn, nhưng giá trị gia tăng không cao, chứng tỏ họ đang thâm dụng lao động và tài nguyên của nước tiếp nhận đầu tư”.

Sản xuất ổ cứng tại Công ty Greystone Data Systems (Mỹ) trong KCX Linh Trung 2. Ảnh: CAO THĂNG
Nghiên cứu của tác giả Bùi Trinh cũng chỉ ra rằng, nhà đầu tư nước ngoài chưa đáp ứng được kỳ vọng về việc góp phần nâng cao trình độ công nghệ và quản trị cho nền kinh tế. Phần lớn (70% - 75%) công nghệ nhà đầu tư đưa vào Việt Nam được coi ở mức trung bình và trung bình thấp, 15% lạc hậu, chỉ có 5% là công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Về vấn đề này, PGS-TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra một nhận định đáng suy ngẫm: “FDI cũng như mọi nguồn lực bên ngoài khác rất quan trọng, nhưng họ có thể vào và đương nhiên có thể ra đi. Cái còn lại là người Việt Nam học được những gì về cung cách quản lý của họ, được chuyển giao tri thức khoa học - công nghệ gì từ họ, tiếp nối như thế nào trong cái mắt xích của “chuỗi giá trị toàn cầu” mà họ đã từng có”.
Chuyển giá: Chưa bao giờ hết “nóng”
Đại diện cho nhóm ý kiến cảnh báo về hiệu quả hoạt động thực sự của khối FDI, PGS-TS Trương Quang Thông (Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng: “Có chăng việc FDI càng tăng tốc xuất khẩu, thì kinh tế chúng ta càng thua thiệt qua các hoạt động chuyển giá của các công ty đa quốc gia thông qua hệ thống dày đặc các công ty con, công ty trá hình trên toàn thế giới? Khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhiều như vậy nhưng đa số các công ty FDI lại không đóng thuế thu nhập, thậm chí từ hàng chục năm nay”.
Theo nhiều chuyên gia, sự “thua thiệt” ấy tuy chưa được lượng hóa bằng một con số cụ thể, nhưng có thể khẳng định là không nhỏ. Kết quả thanh tra, kiểm tra thuế do Tổng cục Thuế tiến hành năm ngoái đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp FDI có hành vi chuyển giá, trốn thuế. Trong đó, chỉ riêng Công ty TNHH MTV Keangnam - Vina (100% vốn Hàn Quốc) đã bị điều chỉnh 1.220 tỷ đồng, toàn bộ số lỗ khai báo phát sinh giai đoạn năm 2007 - 2011 đã “bay” hết. Công ty bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 95,2 tỷ đồng. Trong vụ việc khác đã được cơ quan chức năng kết luận, một dây chuyền máy móc cũ kỹ giá thực chỉ 400.000 USD đã được nhà đầu tư nước ngoài “thổi” giá lên… 40 lần, thành 16 triệu USD (!?)
Bên cạnh đó, xét trên khía cạnh xã hội, việc đảm bảo quy hoạch phát triển, quyền lợi cho người lao động, thực thi pháp luật về môi trường… của khối doanh nghiệp này cũng không phải không có những vấn đề đáng bàn. Rõ ràng, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần được xem xét toàn diện, cả tổng thể và những khía cạnh cụ thể. Từ đó, những mặt tích cực cần tiếp tục được phát huy; đồng thời kiên quyết xử lý những mặt hạn chế, tiêu cực.
BẢO ANH