Day dứt Phủ Dầy

Day dứt Phủ Dầy

Ngày 11-4 sẽ chính thức khai hội Phủ Dầy (xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định). Trong 5 ngày chính hội, tại trung tâm thờ Mẫu (Liễu Hạnh) lớn nhất Việt Nam, 1 trong 5 lễ hội lớn nhất nước này sẽ đón 30 - 50 vạn khách về hành hương. Thế nhưng, trong năm thứ 11 tái mở hội, ở quần thể di tích có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này, những điều nghịch nhĩ, chướng mắt vẫn đầy rẫy...

  • Mỗi mét vuông có 2 hòm công đức

Mặc dù còn 5 ngày nữa mới khai hội nhưng như lệ thường, sân Phủ Tiên Hương đầy rẫy những hàng quán và ô tô của khách thập phương (dù xã không thiếu bãi đỗ xe). Tất cả các ban thờ của phủ Tiên Hương đã chật kín những canh hầu bóng.

Day dứt Phủ Dầy ảnh 1

Rước lễ ở Phủ Dầy.

Quang cảnh càng trở nên chật chội khi nhà đền bố trí bày bán sách tín ngưỡng công khai cạnh ban thờ. Đến đây, tôi lại nhớ đến lời phàn nàn của một người dân sống cạnh phủ Tiên Hương: “Xưa, khuôn viên phủ Tiên Hương rộng, tôn nghiêm là thế, nay cứ vào phủ là cảm giác bức bối lại dậy lên trong người”.

Nhưng tức mắt nhất vẫn là hòm công đức được bày la liệt trong phủ. Dạo một vòng, chúng tôi đếm được đúng 77 hộp chứa “công đức” ở phủ Tiên Hương. Trước ban Ngọc Hoàng, rộng chỉ khoảng 3m2 nhưng có tới 6 hộp công đức, tức là ở chỗ này mỗi mét vuông có tới 2 hòm công đức!

Tình trạng lạm phát hòm công đức diễn ra ở hầu khắp trên 10 đền phủ, thuộc quần thể di tích Phủ Dầy như phủ Vân Cát, Lăng Mẫu, phủ Bóng, đền Giếng... Chuyện “câu tiền công đức” ở Phủ Dầy rất đáng tổng kết để những người đi... buôn bán học hỏi.

Ở hầu hết các phủ đã đặt thêm một số tượng trong hộp, biến đó thành hòm công đức. Tại phủ Tiên Hương, người ta dán một số tờ 50.000 đồng và 100.000 đồng vào đáy hòm công đức (phần lớn hòm công đức làm bằng phoocmeca) để “làm mồi”. đền phủ nào cũng trương ra một số tấm bia ghi rõ danh tính, địa chỉ của một số người ủng hộ từ 30.000 đồng trở lên để nhử những người muốn lưu danh, tạc đức muôn thuở.

Thấy tôi chỉ vào thắp hương, người đàn bà hát văn ở đền Trình ra lệnh: “Bỏ mấy nghìn vào đây (tức hòm công đức)”. Mỗi khi có người vào thắp hương, người ta khua chiêng kéo nhị rủng rảng, khi khách thực hiện nghĩa vụ công đức xong cũng là lúc thôi nhạc, hết ca!

Nhưng, cao tay hơn cả trong việc thu hút khách và mời chào công đức chính là thủ nhang phủ Tiên Hương Trần Viết Đức. “Phủ Dầy có trên 10 di tích, mỗi nơi có ý nghĩa riêng, tạo nên nét văn hóa của cả quần thể di tích nhưng từ lâu, ông Trần Viết Đức dựng ngay tấm biển “phủ chính Tiên Hương”, bằng cách này, ông đã tạo cho khách thập phương cảm giác ngoài Tiên Hương ra, các đền, phủ còn lại đều là phụ, không nhất thiết phải viếng thăm nơi đó nữa”, Trưởng ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định Trần Xuân Bình bức xúc nói.

Một số người dân bản địa ở xã Kim Thái cho biết, mỗi đợt lễ hội, riêng tiền công đức vào các đền, phủ cũng lên tới hàng chục tỷ đồng. Người ta còn kể ở phủ Tiên Hương, thủ nhang phải quây cót chứa tiền công đức và phải thuê người đếm tiền! “Những nhà cao tầng nào ở xã Kim Thái nếu không phải của nhà có con đi CHLB Đức thì đó là nhà của con, cháu ông Đức”, người bán hàng gần UBND xã Kim Thái cho biết.

  • Thủ nhang thao túng, chính quyền bất lực

Nghiêm trọng hơn, theo ông Bình là tình trạng xâm phạm di tích diễn ra công khai, trong thời gian dài tại quần thể di tích Phủ Dầy, nhất là tại 3 di tích đã được xếp hàng di tích lịch sử văn hóa quốc gia là phủ Tiên Hương; phủ Vân Cát và Lăng Mẫu. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, nhất cử nhất động trong việc tu sửa, trùng tu (kể cả đảo ngói) ở những di tích này đều phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước.

Thế nhưng, như báo SGGP đã từng có bài phản ánh, phía sau phủ Tiên Hương, thủ nhang đã tự ý xây dựng Động Sơn trang với quy mô hoành tráng. Voi, ngựa, hổ... được bố trí khắp nơi trên núi, trong động. Nhà ngang dãy dọc được dựng lên để làm nơi ăn ngủ cho đội quân lên tới 40 người thuộc họ hàng thủ nhang. “Tất cả những việc làm này đều vi phạm pháp luật nhưng chính quyền địa phương chưa xử lý được”, ông Bình thừa nhận.

Bộ Văn hóa - Thông tin cũng đã có ý kiến chỉ đạo xử lý, kể cả việc yêu cầu dẹp bỏ hòm công đức để ở bệ bia tại Lăng Mẫu nhưng đến nay tình trạng này vẫn diễn ra công khai. Thậm chí, theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vụ Bản Vũ Quang Triệu, một số thủ nhang đã tự ý đưa một số công trình như đền Trình, nhà thờ họ Trần (được đặt tên là phủ Nguyệt Lãng) vào quần thể di tích!

Cũng vì thế, ở Phủ Dầy diễn ra tình trạng rất vô lý là đến nay, mỗi cơ quan quản lý nhà nước lại đưa ra một con số khác nhau về số lượng di tích trong quần thể này. Theo Sở Văn hóa - Thông tin Nam Định, “năm 1962, Phủ Dầy chỉ có 11 di tích, nay đã có 21 di tích”. Ông Trần Xuân Bình cho rằng “có 20 di tích”; ông Vũ Quang Triệu khẳng định “chỉ có 18 di tích”; còn ông Trần Thế Nhã, Chủ tịch UBND xã Kim Thái thì nói ở đây “có trên 10 di tích”!

Số lượng di tích không “quản” được, nên theo ông Trần Xuân Bình ở Phủ Dầy chỉ có duy nhất thủ nhang mới biết được số tiền công đức là bao nhiêu, thu, chi như thế nào, trong khi, đáng lẽ ra đây là việc mà cơ quan quản lý nhà nước phải nắm. Cũng dễ hiểu điều này, bởi ở đây, xã khoán trắng cho các thủ nhang từ 3 triệu đến 250 triệu đồng/đền, phủ/năm. Các thủ nhang nộp cho xã năm cao nhất là 600 triệu đồng.

Còn lại, thủ nhang thụ hưởng, toàn quyền chi tiêu. Điều đáng nói là từ lâu, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản hướng dẫn yêu cầu 3 năm phải bầu lại thủ nhang một lần, tuy nhiên, từ năm 1989 đến nay, tất cả các đền, phủ ở Phủ Dầy đều chưa bầu lại thủ nhang. Ngay cả tiêu chí giao khoán cũng không dựa trên căn cứ nào. Vì vậy, đã gây thắc mắc trong công chúng về việc một số cán bộ chính quyền đã được thủ nhang “nuôi” nên làm ngơ.

Về lời đồn này, ông Trần Thế Nhã khẳng định: “đó là do dân đồn thế, tôi không nhận của thủ nhang một đồng nào”! Và, cũng như cuộc làm việc giữa phóng viên SGGP với ông Nhã năm 2004, lần làm việc này với chúng tôi, ông Nhã lại hứa sắp tới sẽ ban hành quy chế, tiến hành bầu lại thủ nhang!

Không thể phủ nhận trong thời gian qua, đã có một số chuyển biến tích cực trong việc tổ chức lễ hội Phủ Dầy. Tuy nhiên, tình trạng một số thủ nhang mua thêm đất, đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục, công trình nhằm mục đích kinh doanh... hòm công đức, có thể coi là đầu tư trái phép. Nếu không kịp thời, kiên quyết chấn chỉnh, không những quần thể di tích Phủ Dầy bị biến dạng mà khách thập phương hành lễ cũng ngao ngán nản lòng.

NAM QUỐC

Tin cùng chuyên mục