Dạy học theo dự án thời online

Những năm gần đây, phương pháp dạy học theo dự án được triển khai tại nhiều trường phổ thông trên địa bàn TPHCM nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Tuy nhiên, trong bối cảnh học sinh không thể đến trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phương pháp dạy học này có còn hiệu quả? 
Nguyễn Lê Minh Đức, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) lồng tiếng cho phim ngắn chuyển thể từ tác phẩm “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”
Nguyễn Lê Minh Đức, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) lồng tiếng cho phim ngắn chuyển thể từ tác phẩm “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”

Đổi mới hình thức kiểm tra

Tuần qua, gần 250 học sinh khối 9 Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) hào hứng tham gia các buổi báo cáo dự án “Những cuộc đời bước ra từ trang sách”. Đây là một trong những dự án học sinh chuyển thể tác phẩm văn học trong chương trình ngữ văn lớp 9 thành phim ngắn để lấy điểm kiểm tra giữa học kỳ 1. Nguyễn Ngọc Khánh Hà, học sinh lớp 9/3 cho biết, lấy ý tưởng từ việc chơi game trong thời gian nghỉ học ở nhà vì dịch bệnh, em và các thành viên trong nhóm đã nghĩ đến việc mượn tạo hình nhân vật trong game dựng thành phim ngắn chuyển thể từ tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê.

Tuy nhiên, do một số chi tiết không phù hợp nên các bạn đã xây dựng bối cảnh chính là buổi trò chuyện trực tuyến giữa người dẫn chương trình truyền hình và một nhân vật lịch sử. Sau đó, qua lời kể và hồi tưởng của nhân vật, cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của các nữ thanh niên xung phong được tái hiện thông qua đối thoại của các nhân vật trong game. Khánh Hà bày tỏ, học qua dự án giúp em có thêm kỹ năng làm việc nhóm, hiểu sâu và nhớ lâu kiến thức. Trước đây, khi mới làm dự án em còn nhiều bỡ ngỡ nhưng nay đã thuần thục nên thao tác khá nhanh, sử dụng thành thạo nhiều phần mềm công nghệ, giúp ích cho quá trình làm việc của em sau này. 

Tương tự, với dự án “Go museum online” do Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) khởi xướng từ cuối tháng 9, học sinh 9 trường THPT trên địa bàn thành phố đã có cơ hội trải nghiệm hình thức học tập mới với môn lịch sử. Hơn một tháng triển khai, học sinh đã tạo nên nhiều sản phẩm đẹp dưới nhiều hình thức như infographic, bài viết review hoặc bảng khảo sát ý kiến về vấn đề trưng bày online của bảo tàng. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, tất cả sản phẩm được đánh giá trên 2 tiêu chí là nội dung và hình thức. Kết quả đánh giá thay thế cho bài kiểm tra định kỳ học kỳ 1.

Thông qua đó, học sinh không chỉ được bổ sung thêm kiến thức mà còn rèn luyện các kỹ năng mềm như tìm kiếm tài liệu, ứng dụng các phần mềm công nghệ vào cuộc sống, qua đó có thái độ trân trọng đối với di tích lịch sử, truyền thống của dân tộc, đóng góp ý kiến để hoạt động của bảo tàng đến gần hơn với nhu cầu của người dân thành phố. 
Tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), đánh giá học sinh thông qua dự án cũng là hình thức kiểm tra giữa học kỳ 1 với 2 môn giáo dục công dân và lịch sử. Đại diện các tổ bộ môn cho biết, hình thức này giúp học sinh thêm hứng thú học tập, qua đó rèn luyện các kỹ năng, phẩm chất, hướng đến giáo dục toàn diện cho học sinh.  

Cần sự chủ động của giáo viên

Theo thầy Võ Kim Bảo, giáo viên ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), với dự án “Những cuộc đời bước ra từ trang sách”, học sinh được lựa chọn các hình thức chuyển thể như rối tay, vẽ tranh sau đó lồng tiếng, dựng phim, sử dụng các ứng dụng TikTok để viết lại câu chuyện theo lối hành văn của mình. Qua quá trình thực hiện, các em không chỉ được bổ sung kiến thức ngữ văn mà còn được trau dồi tin học, mỹ thuật, lịch sử. Chẳng hạn, khi chuyển thể tác phẩm “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, học sinh phải tìm hiểu phương ngữ Nam bộ, với tác phẩm “Làng” của nhà văn Kim Lân thì tìm hiểu phương ngữ Bắc bộ. Bên cạnh đó, đối với những tác phẩm có nhân vật mang yếu tố lịch sử, học sinh phải hiểu về bối cảnh lịch sử, đặc điểm trang phục, vũ khí chiến đấu để tái hiện phù hợp.

“Hình thức dạy học này ngoài việc tích hợp kiến thức nhiều môn học còn giúp giáo viên thuận lợi trong dạy học cá thể, học sinh giỏi lĩnh vực nào có thể phát huy thế mạnh đó thông qua phân chia công việc trong nhóm”, thầy Bảo chia sẻ. Mặt khác, để hiệu quả, giáo viên trao quyền chủ động lựa chọn cho học sinh, em nào không làm sản phẩm theo nhóm có thể lựa chọn kiểm tra, đánh giá theo hình thức làm bài tự luận trên giấy. 

Theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, cái khó của người dạy là phải lựa chọn những nội dung theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu giảm tải trong giai đoạn dạy học trực tuyến, đồng thời lựa chọn hình thức thực hiện phù hợp với học sinh. “Trong quá trình làm dự án, giáo viên phải thiết kế, xây dựng tiêu chí đánh giá, cho điểm chính xác, bảo đảm công bằng, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng để đánh giá đúng năng lực học sinh thông qua kết quả thực hiện sản phẩm”, thầy Đăng Du chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục