Theo đó, đoàn đã đến khảo sát và tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng – Stapimax (xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).
Ông Tạ Văn Vững, Tổng Giám đốc Stapimax cho biết: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn và đảm bảo các vấn đề bền vững về môi trường. Với mô hình này đã góp phần giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh, uy tín ngành tôm của Việt Nam ra thế giới. Chỉ tính riêng Stapimax, dù trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng trong năm đơn vị đã xuất khẩu đạt hơn 310 triệu USD sang các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Đồng chí Nguyễn Thành Phong đánh giá cao hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đồng thời đề nghị cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà, hình thành các liên kết sản xuất, tiêu thụ. Đặc biệt, cần tránh tình trạng để người nông dân sản xuất riêng lẻ, không gắn với thị trường vì sẽ rất dễ rơi vào kịch bản “được mùa mất giá”.
Cùng ngày, đoàn công tác cũng đến khảo sát Cảng cá Trần Đề và khu vực dự kiến xây dựng Cảng nước nước sâu Trần Đề.
Tại khu vực bến cảng Trần Đề, đồng chí Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trực tiếp lên tàu thực hiện chuyến thị sát khu vực dự kiến hình thành Cảng nước nước sâu Trần Đề.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, trong đó, đã bổ sung quy hoạch cảng quốc tế Trần Đề có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container lên đến 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn. Do đó, địa phương đang khẩn trương đẩy mạnh thực hiện các thủ tục cần thiết để mời gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa đối với dự án này.
Ông Trần Văn Lâu cho biết thêm, tính đến thời điểm này đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án Cảng biển Trần Đề, các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, đánh giá đã được các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Có thể thấy, Cảng biển quốc tế Trần Đề khi hoàn thành sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực ĐBSCL, đồng thời giúp giải bài toán cho hệ thống logistics của khu vực vốn đang gặp nhiều khó khăn.