Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực bên ngoài

Ngày 20-12 tại TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Chủ trương, chính sách mới thu hút mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài”. Tại hội thảo, các nhà khoa học đánh giá cao những đóng góp của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế trong nước. Nhưng để quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng và tạo giá trị gia tăng cao, trong thời gian tới nhà nước cần thu hút thêm các loại hình đầu tư bên ngoài.
Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực bên ngoài

Ngày 20-12 tại TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Chủ trương, chính sách mới thu hút mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài”. Tại hội thảo, các nhà khoa học đánh giá cao những đóng góp của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế trong nước. Nhưng để quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng và tạo giá trị gia tăng cao, trong thời gian tới nhà nước cần thu hút thêm các loại hình đầu tư bên ngoài.

        Nguồn vốn quan trọng

Phát biểu mở đầu hội thảo, TS Bùi Văn Thạch, Phó ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Sau hơn 25 năm thu hút, sử dụng, khu vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng công nghiệp, đóng vai trò tích cực trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế. ĐTNN có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, trong đó có việc tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, tạo việc làm, góp phần mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam.

ĐTNN đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ cho quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Trong giai đoạn tiếp theo, ĐTNN vẫn là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thúc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất mới, đổi mới công nghệ, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo thêm việc làm.

Sản xuất thiết bị cơ khí tại Công ty MTEX (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất thiết bị cơ khí tại Công ty MTEX (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận. Ảnh: CAO THĂNG

Đồng quan điểm này, GS-TS Võ Thanh Thu, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nhìn nhận, hoạt động FDI đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Đầu tư quốc tế là nguồn bổ sung quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam. Cụ thể, nguồn vốn FDI chiếm gần 1/4 tổng vốn đầu tư xã hội. Các dự án ĐTNN có tốc độ tăng trưởng đầu tư cao nhất so với các khu vực kinh tế trong nước, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ, phát triển hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam…

        Cần thu hút vốn gián tiếp nước ngoài

"Bên cạnh các thành tựu, hoạt động FDI còn bộc lộ nhiều tồn tại. Tồn tại lớn nhất là sự mất cân đối trong hoạt động đầu tư. Cụ thể là mất cân đối trong đầu tư vào các ngành kinh tế, mất cân đối giữa đầu tư vào ngành công nghiệp thâm dụng lao động và ngành công nghiệp cao, mất cân đối trong thu hút vào các vùng kinh tế, mất cân đối giữa vốn đầu tư đăng ký và vốn thực hiện, mất cân đối trong việc thu hút vốn từ các đối tác đầu tư"

GS-TS VÕ THANH THU

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để nền kinh tế Việt Nam phát triển một cách bền vững và cân đối, trong thời gian tới, bên cạnh việc thu hút vốn FDI, cần tập trung thu hút vốn gián tiếp nước ngoài.

Theo PGS-TS Phan Thị Bích Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, hiện nay nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam rất cao nhưng bài toán khó chính là nguồn cung ứng vốn và hiệu quả đầu tư. Vì vậy, thu hút các nguồn lực đầu tư trong nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng là giải pháp khá tối ưu trong điều kiện hiện nay. Mô hình đầu tư công tư (PPP) chính là lời giải cho bài toán khó về vốn nói trên.

Cũng theo PGS-TS Phan Thị Bích Nguyệt, để mô hình PPP thành công, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống chính sách, hành lang pháp lý, thể chế minh bạch, chuẩn mực và tính thực thi.

TS Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM, cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong những năm qua có hai đầu kéo chính là nhà đầu tư cá nhân trong nước và nhà ĐTNN. Theo số liệu của sàn giao dịch chứng khoán TPHCM, trong năm 2013, giao dịch của nhà ĐTNN chiếm gần 16% giá trị toàn thị trường. Đây chưa phải mức cao nhất mà TTCK Việt Nam đã từng đạt được.

Điều này cho thấy Việt Nam cần nhiều biện pháp để thu hút ĐTNN vào TTCK nhằm đạt được cơ cấu đầu tư bền vững giữa trong và ngoài nước, giữa cá nhân và tổ chức đầu tư. Theo đó, chúng ta cần đẩy mạnh việc tái cơ cấu các sở giao dịch chứng khoán; đa dạng hóa các công cụ cho nhà đầu tư giao dịch, đặc biệt đối với nhà ĐTNN; giới hạn sở hữu nhà ĐTNN. TS Trần Du Lịch lưu ý, việc mở room trong thu hút đầu tư với tất cả các lĩnh vực là hoàn toàn cần thiết, nhưng cần phải thận trọng.

Dù đánh giá cao những đóng góp của đầu tư bên ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, song nhiều chuyên gia cho rằng, một số doanh nghiệp ĐTNN có biểu hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách; không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động về giờ làm việc, tiền lương, phúc lợi dẫn đến đình công, bãi công; vi phạm pháp luật về môi trường gây bức xúc trong nhân dân. Những biểu hiện trên đặt ra những câu hỏi về hiệu quả kinh tế của khu vực ĐTNN, cũng như hiệu quả quản lý và trách nhiệm của các cơ quan hữu quan.

Phát biểu kết luận hội thảo, TS Bùi Văn Thạch nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia có môi trường thu hút FDI tương đối tốt nhưng cần cải thiện để thu hút nhiều dự án lớn, có hàm lượng khoa học cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Để thực hiện điều này, cần có giải pháp, sự thay đổi về thể chế, quy hoạch định hướng ngành nghề thu hút đầu tư.

Vì vậy, những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học tại hội thảo là một trong những cơ sở để xem xét, có thể đưa vào việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục