Thời gian qua, thế giới đã và đang có nhiều nỗ lực kiểm soát ô nhiễm không khí và đạt được một số cải thiện nhất định. Phơi nhiễm với nồng độ bụi mịn PM2.5 trong một số khu vực như Đông Nam Á, Nam Á và châu Đại Dương đã giảm trong giai đoạn 2015-2019. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt về việc xây dựng khung chính sách để phối hợp đồng bộ các giải pháp pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quan trắc chất lượng không khí.
Theo tài liệu công bố gần đây của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), 60% các quốc gia (tương đương 1,3 tỷ người hay 18% dân số thế giới) không được tiếp cận với thông tin liên tục hoặc báo cáo hàng năm về chất lượng không khí từ các trạm quan trắc chất lượng không khí mặt đất.
Theo một số nhà khoa học, để bổ sung cho mạng lưới quan trắc truyền thống có chi phí vận hành cao, được lắp rải rác ở các nước đang phát triển, xu hướng hiện nay là kết hợp thêm công nghệ quan trắc sử dụng cảm biến và kỹ thuật viễn thám. Việc kết hợp phương pháp quan trắc truyền thống với tiến bộ công nghệ mang đến cơ hội mới để hiểu và truyền đạt thông tin về chất lượng không khí. Sự tích hợp này làm giảm chi phí vận hành mạng lưới và cho phép giám sát trên không gian rộng lớn hơn mà các công nghệ giám sát truyền thống khó đạt được.