Đẩy nhanh số hóa di sản: Tiếp cận từ nhiều hướng

Trước thách thức và áp lực của thời gian, tác động của môi trường, việc số hóa di sản không chỉ theo xu hướng chuyển đổi số của quốc gia, mà đó còn là cách để giữ lấy và bảo vệ những giá trị ngàn xưa. Nhưng liệu “bột có dễ dàng gột nên hồ”, khi công nghệ, dữ liệu đã có?
Nhóm bạn trẻ Bạch Tùng, Giang Phạm, Lê Dũng cùng người dân làng Bỉnh Nghĩa, Ninh Thuận ghi lại những nghi lễ, âm nhạc của cộng đồng người Chăm sinh sống tại đây
Nhóm bạn trẻ Bạch Tùng, Giang Phạm, Lê Dũng cùng người dân làng Bỉnh Nghĩa, Ninh Thuận ghi lại những nghi lễ, âm nhạc của cộng đồng người Chăm sinh sống tại đây

Đi tìm công nghệ thích hợp

Thành công với việc số hóa 3D di tích quốc gia đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vào năm 2016, nhóm VR3D (vr3d.vn, thiết kế nền tảng phần mềm quản trị dữ liệu di sản) tiếp tục thực hiện hàng loạt dự án số hóa di sản như di tích Trụ tứ linh chùa Hưng Ký (Hà Nội), bảo vật quốc gia tượng A Di Đà chùa Phật tích (Bắc Ninh), đền Độc Bộ (Nam Định), đền Bảo Hà (Lào Cai)… Tại website vr3d.vn của nhóm VR3D, phần mềm trình bày dữ liệu này sẽ hiển thị các di sản dưới dạng 3D mà không cần cài đặt trên trình duyệt, thường gọi là web-app. 

Nguyễn Trí Dũng (phụ trách phát triển phần mềm xử lý và quản trị dữ liệu tại Viz4D - nền tảng xử lý dữ liệu 3D và tạo web-app toàn cầu, thuộc nhóm phát triển phần mềm số hóa và quản lý dữ liệu di sản tại VR3D) chia sẻ: “Số hóa 3D cũng như mọi ngành nghề khác, làm tạm với chất lượng thấp thì dễ, chỉ cần mua máy chụp, quét loại rẻ cũng xong, phần trưng bày thì đi gửi ở server (máy chủ) của các dịch vụ nước ngoài. Còn cố gắng đạt tới độ hoàn hảo cao là rất khó, cần tự chủ rất nhiều khâu. Cần phải làm chủ một quy trình công nghệ đồng bộ, xuyên suốt từ các thiết bị quét qua các quá trình xử lý hậu kỳ, tối ưu, nén, mã hóa..., rồi đến nền tảng phần mềm lưu trữ và trưng bày trực tuyến”.

Nhóm VR3D xuất phát từ truyền thống gia đình làm nghề thủ công mỹ nghệ, chuyên về điêu khắc, khoảng 15 năm gần đây đã thử nghiệm dùng kỹ thuật scan 3D (quét 3D) để số hóa. Nhiều di sản được VR3D lưu giữ nay đã không còn trong đời thực, bởi các di sản cổ nằm rải rác khắp các địa phương, chỗ được bảo vệ cẩn thận, chỗ hoang vắng và điều kiện bảo tồn phần lớn vẫn chưa chuẩn…

Nhìn nhận những điểm hạn chế trong số hóa di sản, anh Nguyễn Trí Dũng phân tích: “Theo tôi, trong số hóa 3D di sản, điều cần nhất là kỹ thuật và công nghệ. Phần tốn kém nhất, mất nhiều thời gian nhất là thử nghiệm, lựa chọn và học tập công nghệ, đặc biệt là công nghệ phần mềm xử lý và trình bày dữ liệu. VR3D đầu tư rất sâu về mảng này, nó ẩn sau hình ảnh 3D của di sản nên mọi người thường tưởng rằng số hóa chỉ có nghĩa là scan 3D. Người xem có thể xem được di sản trên trang VR3D là nhờ web-app mà chúng tôi lập trình”.

Cộng đồng kể chuyện di sản

Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Theo anh Nguyễn Trí Dũng, gần 20 năm nay, các đơn vị được giao nghiên cứu thử nghiệm, mặc dù sở hữu nguồn lực rất lớn nhưng kết quả vẫn chưa cao. Hiện một ít hiện vật sử dụng máy chủ nước ngoài để lưu trữ, trưng bày di sản bằng giải pháp chuyên cho “thương mại điện tử” có trong phần mềm bán sẵn. Nếu tiếp tục tìm cách số hóa di sản theo lối cũ thì không thể hoàn thành chương trình.

“Chúng tôi nghĩ việc số hóa di sản hiện nay phải làm sao cho nhanh nhất, chất lượng nhất và trong thời gian ngắn nhất vì nhiều di sản, di tích hiện nay đã xuống cấp rất nặng. Xây dựng nền tảng phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu di sản phải phân cấp chặt chẽ, tự động hoàn toàn, dễ dùng đến mức không cần đào tạo... Phải tư vấn các loại định dạng, phần mềm xử lý dữ liệu cho từng trường hợp sử dụng để tiết kiệm và khai thác được trong tương lai”, anh Dũng chia sẻ thêm.

Khi công nghệ để số hóa và bảo tồn di sản vẫn còn những yêu cầu cao về kỹ thuật và kinh phí, một hướng đi khác đang được các bạn trẻ hiện nay chú trọng chính là cộng đồng kể chuyện di sản. Bộ công cụ số “Cẩm nang kể chuyện di sản” là một dự án thuộc Hội đồng Anh do nhóm 3 bạn trẻ: Bạch Tùng, Giang Phạm, Lê Dũng thực hiện, chú trọng việc giữ gìn di sản qua cách kể chuyện của chính người dân bản địa. 

Ứng dụng thông tin từ ấn phẩm này, người làng, nghệ nhân hoặc bất kỳ ai cũng có thể tạo nên các sản phẩm truyền thông giúp lưu giữ, truyền bá di sản, văn hóa của bản thân và cộng đồng. Cẩm nang gồm hai phần: hướng dẫn sáng tạo nội dung ở dạng chữ viết, hình ảnh hay thiết kế đồ họa, ứng với từng loại hình di sản cụ thể và giới thiệu, phân tích sản phẩm mẫu được nhóm tác giả thực hiện cùng dân làng hoặc nghệ nhân.

Giang Phạm (phụ trách hình ảnh và nội dung cho cẩm nang) cho biết: “Trong thời đại số, việc số hóa di sản hay bất kỳ lĩnh vực nào là đương nhiên, tuy nhiên chúng tôi nghĩ điều tốt nhất trong bảo tồn chính là để cho cộng đồng tự nói về chính mình. Vì vậy, cẩm nang trước hết là hướng dẫn cộng đồng tự nói về di sản bản địa, từ đó việc bảo tồn di sản, di tích sẽ được chú ý và chú trọng hơn, lúc đó việc số hóa cũng sẽ có nhiều thuận lợi".

Tin cùng chuyên mục