ĐBSCL: Hàng ngàn tỷ đồng bình ổn thị trường tết

Nhằm ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19, đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã dành hàng ngàn tỷ đồng để dự trữ hàng hóa cho mùa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. 
Hàng hóa được chuẩn bị đầy đủ tại các kênh phân phối ở khu vực ĐBSCL
Hàng hóa được chuẩn bị đầy đủ tại các kênh phân phối ở khu vực ĐBSCL

Tại tỉnh Tiền Giang, để đảm bảo cung ứng hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết đã ban hành Kế hoạch 375 về dự trữ, cung ứng hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Theo đó, đặc biệt chú trọng phục vụ các đối tượng chính sách, hộ gia đình nghèo, người dân ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã, siêu thị, cơ sở kinh doanh tham gia bình ổn thị trường phải đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng thiết yếu, chất lượng an toàn với giá cả hợp lý.

Thực hiện kế hoạch này, Sở Công thương Tiền Giang cho biết, có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, với tổng giá trị hơn 401 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 97 tỷ đồng hàng hóa thiết yếu, gồm hơn 900 tấn gạo các loại, hơn 506 tấn đường các loại, 698 tấn bột ngọt, hạt nêm các loại… Các doanh nghiệp tham gia cung ứng và dự trữ hàng hóa tết có Co.opmart Mỹ Tho, Co.opmart Gò Công, Co.opmart Cai Lậy, Hợp tác xã TM-DV phường 1, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Hữu Thành Phát, Hợp tác xã Vĩnh Kim…

Tại tỉnh Long An, hầu hết các đơn vị cho biết đã dự trữ nguồn nguyên liệu để chế biến thực phẩm, bánh kẹo đầy đủ nhằm phục vụ thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương Long An cho biết, hiện nay các doanh nghiệp thương mại chủ lực của tỉnh đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa trên 560 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với Tết Tân Sửu 2021. Điều đặc biệt, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều cam kết giữ giá để bình ổn thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm, vui xuân đón tết.

Tương tự, Sở Công thương An Giang cho biết đến nay, có 23 doanh nghiệp chủ lực của tỉnh này đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường tết với 451 điểm bán hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến tổng số tiền dự trữ khoảng 1.342 tỷ đồng, tăng 2,4% so với kết quả thực hiện năm trước. “Hiện nguồn hàng tại các chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích khá dồi dào, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu người dân. Giá cả hàng hóa duy trì ổn định, ít biến động”, đại diện Sở Công thương An Giang cho biết. 

Với tỉnh Hậu Giang, dù mọi hoạt động giao thương hàng hóa năm nay có phần ảnh hưởng vì dịch Covid-19 nhưng công tác chuẩn bị hàng tết vẫn được thực hiện khá chu đáo. Theo ước tính của Sở Công thương Hậu Giang, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia và 8 huyện, thị xã, thành phố phục vụ mua sắm dịp tết của người dân là hơn 667,7 tỷ đồng.

Trong đó, 6 đơn vị, doanh nghiệp bằng nguồn vốn tự cân đối tham gia công tác bình ổn thị trường với giá trị hàng hóa trên 347,7 tỷ đồng, tăng khoảng 227,6 tỷ đồng so với chương trình bình ổn năm 2021. Những doanh nghiệp tham gia có thể kể đến như siêu thị Co.opmart Vị Thanh, siêu thị Co.opmart Ngã Bảy, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Tây Nam Bộ - chi nhánh xăng dầu Hậu Giang, Công ty CP Thương mại Bách hóa Xanh…

Không chỉ dành ngân sách dự trữ hàng hóa và bình ổn thị trường, các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL còn phối hợp chặt chẽ, liên kết với các doanh nghiệp TPHCM trong việc tạo lập nguồn hàng ổn định, hợp tác 2 chiều giúp mở rộng sản xuất, kinh doanh bảo đảm nguồn cung hàng hóa và mở rộng mạng lưới phân phối, góp phần tiêu thụ hàng hóa ở các tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Công thương các tỉnh cũng khuyến cáo người dân trong vùng khi mua sắm cần chú ý phòng dịch, không tập trung đông người và cần bình tĩnh trước thông tin thị trường để chọn mua được sản phẩm tốt, chất lượng cho gia đình.

Tin cùng chuyên mục