ĐBSCL khẩn trương ứng phó với bão số 16

Trước tình hình bão số 16 diễn biến phức tạp, hiện các tỉnh ven biển ĐBSCL khẩn trương chuẩn bị các tình huống ứng phó, trong đó có phương án sơ tán cả trăm ngàn hộ dân đến nơi an toàn.

Nhiều tàu thuyền ở Kiên Giang được kêu gọi vào nơi trú bão an toàn. Ảnh: Nguyễn Thanh
Nhiều tàu thuyền ở Kiên Giang được kêu gọi vào nơi trú bão an toàn. Ảnh: Nguyễn Thanh

Chiều 23-12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, địa phương đã chủ động các phương án phòng tránh, ứng phó bão số 16. Đồng thời, chỉ đạo ngành GD-ĐT xem xét cho học sinh nghỉ học; chính quyền các địa phương sẵn sàng phương án sơ tán dân khi cần thiết; lực lượng biên phòng và ngành chức năng thực hiện việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 8 giờ ngày 23-12.

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo 3 Đồn Biên phòng (Hàm Luông, Cổ Chiên, Cửa Đại) sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của đơn vị thông báo cho các phương tiện tàu đánh cá đang hoạt động trên biển biết vị trí hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; thống kê, kiểm đếm số lượng tàu, người, khu vực hoạt động.

Đến thời điểm này đã có 2.680 phương tiện tàu, thuyền tìm được nơi neo đậu tại các bến, bãi của tỉnh và khu vực các đảo. Hiện nay, vẫn còn 487 phương tiện với khoảng 1.948 người đang hoạt động trên biển ngoài khu vực nguy hiểm.

UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh phát công văn thông báo đến các trường học chuẩn bị phương án phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học... Các trường từ mầm non đến Cao đẳng cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 25 đến hết ngày 26-12.

Tỉnh Bến Tre cũng đã chỉ đạo các huyện, sở, ngành tạm ngưng các cuộc họp không cần thiết để chuẩn bị công tác ứng phó bão 16. Đồng thời, đề nghị các phương tiện thông tin từ tỉnh đến xã phải thường xuyên cập nhật, phát những bản tin kịp thời về tình hình bão đến người dân. Đối với các huyện cần rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân. Nắm chắc số lượng người cần di dời, sơ tán. Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân trước 12 giờ ngày 25-12 và có biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán.

Ngày 23-12, nhằm chủ động ứng phó ảnh hưởng của cơn bão Tembin, tỉnh Cà Mau khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền đánh cá vào bờ tìm nơi tránh trú bão. Đặc biệt, đến 16 giờ chiều 23-12, áp dụng cấm tuyệt đối các tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết toàn tỉnh dự kiến có hơn 46.000 người dân cần di dời, sơ tán đến nơi an toàn nếu trường hợp bão vào đất liền. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương xuất quỹ phòng chống thiên tai hỗ trợ cho hộ nghèo của địa phương có điều kiện chằng chống nhà cửa.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau Lê Hoàng Dự, trong ngày 23-12, ngành giáo dục chưa triển khai cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, ngành vẫn theo dõi diễn biến tiếp theo của bão như thế nào để có phương án xử lý phù hợp.

Theo Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TTCN tỉnh Cà Mau, ngành chức năng tỉnh đã liên lạc được với hơn 4.500 tàu thuyền đăng ký hoạt động đánh bắt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hiện còn hơn 900 tàu, với khoảng 7.900 thuyền viên còn đang hoạt động trên biển. Hiện nay, ngành chức năng đang tích cực liên lạc và kêu gọi các tàu thuyền còn hoạt động vào bờ. Đặc biệt, với gần 400 phương tiện còn đang đánh bắt xa bờ, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đang hướng dẫn vị trí phù hợp để các tàu kịp thời tìm nơi tránh trú báo Tembin.

Người dân nuôi tôm ở Trà Vinh chằng chống dây điện an toàn để tránh bão. Ảnh: Nguyễn Thanh
Tại Tiền Giang, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh đã họp khẩn với các sở ngành chức năng, các huyện thị… để yêu cầu từ ngày 23-12 tất cả các đơn vị từ tỉnh đến xã phải trực và triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão sô 16.
UBND tỉnh Tiền Giang tính toán có hơn 117.000 người dân sống ở các vùng ven biển có thể bị ảnh hưởng bão số 16. Trong đó, dự kiến khoảng 40.000 người cần  được sơ tán đến các nơi an toàn như trụ sở UBND, các cơ quan, trường học… nếu bão đổ bộ vào Tiền Giang.
Dự kiến công tác thực hiện di dời dân phải hoàn tất trước 18 giờ ngày 24-12, nếu bão diễn biến phức tạp. Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cũng chỉ đạo ngành y tế chuẩn bị thuốc men, nước uống và các thực phẩm cần thiết để phục vụ người dân trong trường hợp sơ tán bà con để tránh bão. Tỉnh yêu cầu các sở ngành, huyện thị phải ngưng ngay các cuộc họp không cần thiết nhằm tập trung lo phòng chống bão.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bạc Liêu, hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện việc nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi đánh cá trên biển, đến khi có bản tin cuối cùng về bão số 16, mới cho hoạt động trở lại.

Bạc Liêu tiến hành mở các cột đèn tín hiệu báo bão tại các Đồn Biên phòng và bố trí người trực đảm bảo đèn tín hiệu hoạt động 24/24 giờ; bắn tín hiệu báo bão theo quy định; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Mọi diễn biến phải báo cáo liên tục về tỉnh.

Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TTCN tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Trên toàn tỉnh có hơn 1.000 người sống theo tuyến rừng phòng hộ, tuyến ven biển cần được di dời khi bão đổ bộ vào đất liền. Các điểm trường học, trụ sở UBND, công an, quân đội… đã sẵn sàng tiếp nhận người dân đến tránh trú bão khi cần thiết”.

Bạc Liêu có khoảng 1.200 tàu đánh bắt trên biển với khoảng 6.000 ngư dân. Bên cạnh đó, còn có khoảng 70.000ha lúa, hoa mùa và hơn 76.000ha nuôi trồng thủy sản của người dân cần được bảo vệ nếu có bão lớn…

Tin cùng chuyên mục