Tôi rất vui khi Hiến pháp vừa được Quốc hội khóa 13 thông qua và công bố cho toàn dân. Càng vui hơn khi những đóng góp của nhân dân, cử tri cả nước về việc thu hồi đất được Quốc hội tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi trình các đại biểu Quốc hội thông qua.
Tôi rất đồng tình trong Hiến pháp nêu, Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết theo luật định vì mục đích quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thực hiện công khai, minh bạch và bồi thường theo quy định của pháp luật. Quy định này giúp việc thu hồi đất sẽ rõ ràng, cụ thể hơn, hạn chế được việc thu hồi, sử dụng đất tràn lan vì nhiều mục đích khác nhau như thời gian qua, dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài. Với quy định này, các quyền của người dân về đất đai được Nhà nước tôn trọng trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch. Nhân dân sẽ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên mảnh đất của mình. Hiến pháp sửa đổi cũng thể hiện rõ hơn quyền làm chủ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Điều này càng thể hiện rõ hơn bản chất của Đảng và Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Trong nhiều điểm mới của Hiến pháp được thông qua lần này, tôi tâm đắc nhất chính là việc đề cao quyền con người, quyền công dân, được thể hiện bằng việc dành riêng chương 2 cho vấn đề này. Việc ghi nhận các quyền con người trong dự thảo đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Hiến pháp đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đồng thời, Hiến pháp cũng đã bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước, qua đó thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Số lượng các điều khoản về quyền con người, quyền công dân nhiều hơn, mở rộng hơn, cụ thể hơn, thể hiện sự kế thừa và phát triển trong điều kiện, hoàn cảnh mới của đất nước. Điều này lại càng đặc biệt có ý nghĩa khi vừa qua, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, khóa 2014 - 2016 với số phiếu thuận cao (184/192 phiếu) đã minh chứng thành công này không đến một cách ngẫu nhiên, mà là kết quả có được từ các thành tựu về nhân quyền, sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế.
QUANG TUẤN
(quận Tân Bình, TPHCM)