Để dân giám sát việc xây dựng

Thời gian qua, tại địa bàn các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12, Thủ Đức, Gò Vấp… xảy ra nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị. Trong đó, nổi lên là tình trạng xây dựng trái phép, không phép, lấn chiếm đất công, san lấp kênh rạch… Nhiều công trình xây dựng trái phép, sai phép mọc lên cách trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan chức năng chỉ vài bước chân, nhưng không ai biết. Nhiều nơi, có sự tiếp tay của cán bộ có trách nhiệm ở địa phương, người dân phát hiện, gửi đơn tố cáo đến nhiều cấp nhưng không được kiểm tra, xử lý đến nơi đến chốn. Chỉ đến khi báo chí phát hiện và đưa lên công luận thì các vụ việc sai phạm mới được xử lý.

Thời gian qua, tại địa bàn các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12, Thủ Đức, Gò Vấp… xảy ra nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị. Trong đó, nổi lên là tình trạng xây dựng trái phép, không phép, lấn chiếm đất công, san lấp kênh rạch… Nhiều công trình xây dựng trái phép, sai phép mọc lên cách trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan chức năng chỉ vài bước chân, nhưng không ai biết. Nhiều nơi, có sự tiếp tay của cán bộ có trách nhiệm ở địa phương, người dân phát hiện, gửi đơn tố cáo đến nhiều cấp nhưng không được kiểm tra, xử lý đến nơi đến chốn. Chỉ đến khi báo chí phát hiện và đưa lên công luận thì các vụ việc sai phạm mới được xử lý.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, UBND TPHCM vừa công bố dự thảo Quy chế phối hợp trong việc quản lý trật tự xây dựng giữa thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vai trò của nhân dân trong giám sát việc xây dựng ở từng địa bàn dân cư chưa được đề cập. Trong đó, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể xã hội - đại diện tiếng nói của nhân dân có thể tham gia giám sát, phát hiện sai phạm về quy hoạch, xây dựng không được nhắc đến trong dự thảo quy chế. Thực tế ở địa bàn dân cư cho thấy, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố và đại diện các tổ chức đoàn thể hầu như không biết gì về quy hoạch sử dụng đất ra sao, nhà nào được cấp phép, nhà nào không được cấp phép xây dựng, nội dung giấy phép xây dựng được cấp đến đâu, sai phép ở chỗ nào… Từ đó, không có các biện pháp giám sát, phối hợp với cơ quan chức năng quản lý, ngăn ngừa vi phạm một cách hiệu quả nhất.

Để người dân giám sát việc xây dựng trên địa bàn được tốt, chính quyền địa phương các cấp cần công khai thông tin về quy hoạch, xây dựng và giấy phép xây dựng đến từng tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể ở địa bàn dân cư để người dân được biết. Mặt khác, quy chế cần có quy định về phối hợp giữa thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương với đại diện của người dân ở các địa bàn dân cư để xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát khi phát hiện những sai phạm về xây dựng và trật tự đô thị. Nếu được thông tin đầy đủ và có sự phối hợp tốt giữa các bên, tình trạng vi phạm trong xây dựng và trật tự đô thị mới có thể từng bước được chấn chỉnh trong thời gian tới.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục