(SGGPO).- Ngày 4-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trao đổi với PV Báo SGGP, PGS Văn Như Cương cho rằng, để “trận đánh lớn” này thành công, ngành giáo dục phải chuẩn bị kế hoạch thực hiện đề án một cách đồng bộ.
*Phóng viên: PGS có thấy hài lòng với đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vừa được Trung ương ban hành?
* PGS Văn Như Cương: Tôi khá hài lòng. Nội dung, phương pháp đổi mới của đề án như thế là ổn rồi, chỉ lo là có làm được hay không thôi. Những khiếm khuyết lớn nhất của nền giáo dục hiện nay như dạy văn hóa nhiều quá, dạy làm người ít quá; quá nhiều môn học, nhiều kiến thức hàn lâm, thiếu sự gắn kết liên thông giữa các bậc học, phân luồng học sinh kém.... thì đều đã được đề án chỉ rõ. Tóm lại là đề án đã chỉ ra và có phương hướng để khắc phục những khiếm khuyết bấy lâu nay của nền giáo dục. Bởi thế mà các nhà giáo dục như chúng tôi cảm thấy hài lòng và kỳ vọng ở đề án.
Tuy nhiên, rôi rất mong sau khi có được đề án tốt như vậy rồi thì ngành giáo dục phải lên được kế hoạch thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Từ việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới đến kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên để đáp ứng được sự chuyển hướng của nền giáo dục từ chú trọng dạy kiến thức sang phát triển năng lực học sinh... Tất cả đều phải được ngành giáo dục chuẩn bị một cách bài bản. Đặc biệt, phải lên được kế hoạch các trường sư phạm sẽ đào tạo như thế nào để thực hiện chương trình mới trong các năm tới.
* Như vậy, vấn đề đào tạo giáo viên để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện là hết sức quan trọng?
* Đúng vậy, đây là lo lắng lớn nhất của tôi. Đội ngũ giáo viên sẽ được đào tạo mới như thế nào, kể cả việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có ra sao thì phải tính toán. Tương tự việc chúng ta mua vũ khí tàu ngầm, tên lửa thì phải cử người đi học để về vận hành các loại vũ khí tối tân đó, thì việc đổi mới giáo dục cũng phải chuẩn bị lực lượng để thực hiện. Trong đổi mới giáo dục lần này, con người là yếu tố quyết định hàng đầu. Cụ thể hơn, giáo viên là vấn đề số 1, hàng đầu. Nếu tiến hành đổi mới mà chúng ta không kịp chuẩn bị đội ngũ giáo viên thì rất gay, hiệu quả sẽ không có. Giống như việc vũ khí thì mới mà con người vẫn cũ thì không thể vận hành. Bởi thế, việc đầu tiên mà ngành giáo dục cần làm ngay khi bắt tay vào đề án đổi mới giáo dục là đào tạo giáo viên.
Chỉ vài năm nữa là tiến hành dạy chương trình mới, sách giáo khoa mới, vậy thì giáo viên phải được chuẩn bị sớm nhất. Nếu Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận coi đổi mới giáo dục lần này là một “trận đánh lớn” thì toàn bộ kế hoạch tác chiến phải được chuẩn bị chu đáo, từ phương pháp đánh, lực lượng đến công tác hậu cần...
* Một trong nội dung mà xã hội quan tâm nhất trong lần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục lần này là việc thi cử, PGS thiên về phương án đổi mới nào?
* Tôi được biết Bộ Giáo dục – Đào tạo vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để đưa ra phương án đổi mới thi cử phù hợp nhất. Tôi đồng tình là đổi mới theo phương án cụ thể nào thì phải tiếp tục tính toán, suy xét để có phương án tối ưu nhất. Mục tiêu là đổi mới toàn bộ công tác kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó có công tác thi cử. Tôi cho rằng học sinh học 12 năm thì phải có kiểm định từng phần, ví như hết tiểu học thì kiểm định để lên THCS; hết THCS thì kiểm định để lên THPT… Một khi đã có việc kiểm định từng phần nghiêm túc thì học sinh học hết lớp 12 không cần thiết phải tham gia một kỳ thi tốt nghiệp quốc gia hoành tráng, nặng nề, mà cũng chỉ là kiểm định kết thúc THPT. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT nặng nề hiện nay có thể giao cho các địa phương làm. Tôi muốn nói, phải là đổi mới toàn bộ khâu đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, chứ khâu thi cử chỉ là một phần. Cần thiết phải tìm ra cách đánh giá, kiểm định chất lượng như thế nào để tránh tốn kém, nặng nề.
*Nghị quyết Trung ương nêu rõ giao tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học?
* Đúng thế. Mỗi trường có một đầu ra khác nhau, đáp ứng các nhiệm vụ xã hội khác nhau vì thế không thể chung một đề thi đầu vào. Ví dụ cùng học toán nhưng anh học toán trường bách khoa, trường xây dựng, trường kinh tế, ngoại thương... thì khi ra trường có một nghề khác nhau. Vì thế không thể chung một đề thi của bộ. Hãy để các trường tự chọn, họ sẽ tự ra đề thi.
* Một trong đổi mới mang tính đột phá lần này là đổi mới về cơ chế tài chính, nhất là đối với giáo dục đại học. Theo đó, giáo dục đại học sẽ theo hướng Nhà nước đặt hàng, Nhà nước chỉ bao cấp những ngành nghề đặc biệt. PGS đánh giá về điều này như thế nào?
*Nhà nước đặt hàng đào tạo, tôi cho đó là một đột phá về tư duy. Hiện nay chỉ có 12% sinh viên ngoài công lập, còn lại Nhà nước bỏ tiền ra đào tạo toàn bộ sinh viên công lập. Không quốc gia nào làm nổi điều này cả. Cần phải xã hội hóa giáo dục đại học. Theo tôi, đối với bậc giáo dục phổ thông, Nhà nước phải đảm nhận việc bao cấp vì quyền của trẻ là được đi học. Chúng ta phổ cập ở bậc học nào thì miễn học phí ở bậc học đó. Nhưng lên đến THPT và đại học thì phải khác, phải tăng học phí chứ không phải mức học phí bèo bọt như hiện nay. Chỉ có như thế thì giáo dục mới nâng được chất lượng lên, bởi như Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có lần nói, đầu tư cho giáo dục hiện nay mới chỉ đủ để bảo đảm điều kiện cho việc nâng chất lượng giáo dục ở mức tối thiểu.
Vì thế, phải thay đổi cơ chế tài chính giáo dục hiện nay, nhất là đối với giáo dục đại học. Nhà nước chỉ đầu tư đào tạo những ngành nghề đặc biệt, những ngành mà tư nhân không đào tạo được. Còn những ngành nghề tư nhân đảm nhận được thì nên giao cho họ.
*Ông có cho rằng để giáo dục thật sự là quốc sách hàng đầu, cần phải tăng mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước hiện nay dành cho giáo dục?
* Nhà nước không thể tăng quá 20% ngân sách dành cho giáo dục được đâu. Muốn lo đủ tài chính cho giáo dục thì phải bằng nhiều cách. Trong đó có một cách có thể làm ngay được là ngăn chặn lãng phí, tham ô. Lĩnh vực giáo dục thì tham ô không nhiều, nhưng lãng phí thì vô kể. Các dự án triệu USD nhưng hiệu quả không thấy đâu, những chuyến công tác nước ngoài vô bổ, những cuộc thi hoành tráng mà hiệu quả kém... Tất cả những lãng phí đó cần phải được ngăn chặn. 20% ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục, nếu biết chi tiêu đúng đắn thì vẫn đủ như thường.
PHAN THẢO thực hiện
>> Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo