Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, vốn vay ODA là cần thiết trong điều kiện đất nước cần vốn để đầu tư phát triển: “So với các khoản vay khác từ thị trường tài chính, vay ODA vẫn có lợi vì lãi suất thấp, thời hạn cho vay và ân hạn tương đối dài. Bên đi vay, cho vay đều có mục tiêu nên việc kiểm soát, đánh giá hiệu quả có thể tốt hơn. Đó là ưu điểm của vay ODA”.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, mặt trái của ODA là điều kiện cho vay của nhà tài trợ khá khắt khe, thậm chí có những quy định nhằm tạo lợi thế cho nhà đầu tư, nhà thầu của họ. Nhắc đến bài học vay ODA của Hy Lạp, Ireland và một số nền kinh tế châu Âu, từ vay nợ mà tác động đến toàn bộ nền kinh tế, chính trị, ông Phùng Quốc Hiển yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong báo cáo giám sát phải đánh giá thận trọng những mặt được, chưa được và tác động qua lại của ODA đối với tình hình kinh tế, xã hội, chính trị của nước nhà.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nhìn chung, việc vay ODA thời gian qua đã đạt được hiệu quả nhất định, giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ quản lý, thúc đẩy kinh tế phát triển. Chưa nhà tài trợ, nhà đầu tư nào có ý kiến về những vi phạm của ta về các hiệp định vay vốn trong 2 năm qua. Mặc dù vậy, trên thực tế, việc quản lý, phân bổ, sử dụng vốn ODA trong 2 năm qua chưa thực sự đổi mới quyết liệt để khắc phục những hạn chế trong giai đoạn trước. Cụ thể, vẫn còn tình trạng chi vượt dự toán, huy động vốn chưa được cấp thẩm quyền quyết định. Việc thực hiện Hiến pháp năm 2013 chưa nghiêm, vi phạm luật, nghị quyết của Quốc hội về tài chính và đầu tư công trung hạn vẫn xảy ra ở mức độ khác nhau. Tương tự, cơ cấu vay, cơ cấu đầu tư, trật tự ưu tiên và hiệu quả đầu tư trên từng lĩnh vực, từng dự án vẫn còn những hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế này, ông Phùng Quốc Hiển nêu rõ một số đề nghị: Trước hết, Chính phủ cần rà soát lại hiệu quả, đánh giá tác động của 1.155 dự án sử dụng vốn ODA trong giai đoạn vừa qua theo quy định tại Luật Đầu tư công; đặc biệt xem xét sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn, chỉ ra những điểm tích cực để phát huy cũng như những hạn chế và giải pháp khắc phục. Việc này nên thực hiện tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-2018. Tiếp đó, đề nghị Chính phủ liệt kê, đánh giá các dự án sử dụng vốn vay ODA được phê duyệt không đúng thẩm quyền, nêu hướng giải quyết và báo cáo Quốc hội. Cần cương quyết xử lý các sai phạm, đổi mới quản lý đầu tư công, quản lý nợ công nói chung cũng như vốn ODA nói riêng theo hướng lấy hiệu quả làm chính chứ không chạy theo mục tiêu giải ngân và phải rõ ràng trách nhiệm. Sau phiên giải trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách phải có báo cáo nhanh với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.