
Một buổi sáng, tại Văn phòng hồi gia thuộc Trung tâm Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận 8, chúng tôi thấy bốn bạn trẻ có vẻ thân nhau đang trao đổi một chuyện gì có vẻ tâm đắc lắm. Vậy mà, hỏi ra mới rõ, họ chỉ vừa biết nhau hôm qua.
Ngoài hai bạn là cán sự của Văn phòng hồi gia, còn lại là người chị và T. - cậu em trai vừa tròn 25 tuổi. Nhìn gương mặt, vóc hình khá đẹp trai và hiền lành của cậu, chúng tôi không khỏi bùi ngùi và tiếc nuối khi chính cậu cho biết, cậu vừa rời một trung tâm cai nghiện sau khi ở đó một thời gian dài bằng 1/5 mức tuổi của mình. Và thay cho niềm vui ngày đoàn tụ, cả nhà đều choáng váng khi hay tin cậu con trai yêu quý đã mang trong người virus HIV/AIDS.

T. quả tình là một đứa con còn biết nghĩ. Vừa từ trại về một tuần, cậu đã đi làm nghề sơn nước nội thất. Mới làm được mấy ngày, do sức khỏe còn yếu, cậu bị ngã từ giàn giáo xuống nên gia đình khuyên cậu tạm nghỉ. Người chị thương em đã đưa cậu đến Văn phòng hồi gia. Và cuộc trò chuyện khá thân mật với các cán sự Văn phòng hồi gia không ngoài mục đích giúp cậu được chia sẻ tâm tư; được tư vấn cách chăm sóc sức khỏe; cách làm việc, sinh sống theo hướng lành mạnh và có ích trong những ngày sắp tới.
T. là một trong số 140 người hồi gia sau cai nghiện trên địa bàn quận 8 được Văn phòng hồi gia quận tiếp cận, quản lý, theo dõi và chăm sóc. Bạn Trần Huỳnh Thị Thuận, trưởng nhóm giúp đỡ hồi gia quận 8, cho biết, là 1 trong 5 dự án được triển khai tại Trung tâm Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận 8, Chương trình hòa nhập cộng đồng cho người hồi gia do Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM thực hiện thí điểm với sự tài trợ của Tổ chức Sức khỏe gia đình thế giới - FHI.
Ngoài quận 8, dự án này cũng được thực hiện tại các quận: 1,4, Bình Thạnh nhằm tập hợp những người hồi gia thành Nhóm tự giúp đỡ người hồi gia, để họ cùng hỗ trợ, chia sẻ, nhanh chóng thích nghi, hội nhập với cộng đồng. Tham gia nhóm này, người hồi gia nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc. Họ được tham gia các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của nhóm; được tập huấn tuyên truyền chia sẻ kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống tái nghiện.
Được hướng dẫn, được tạo điều kiện thuận lợi và là đối tượng ưu tiên trong việc lập kế hoạch thủ tục vay vốn từ quỹ hỗ trợ xã hội cho người hồi gia trong chương trình. Được tư vấn hướng nghiệp; ưu tiên thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Được can thiệp tư vấn chống tái nghiện, tư vấn điều trị lạm dụng ma túy…
Số cán sự trực tiếp thực hiện dự án tại 4 quận gồm 17 bạn trẻ, hầu hết đều tốt nghiệp đại học ngành xã hội. Riêng Văn phòng hồi gia quận 8, tuy mới thành lập khoảng 6 tháng, nhưng bước đầu đã làm được nhiều việc. Từ chỗ người của văn phòng tự tìm đến với những người hồi gia, vận động, thuyết phục họ tham gia các hoạt động của dự án với không ít khó khăn ban đầu do bản thân người hồi gia và gia đình họ chưa hiểu và còn nghi ngại, nay một số người hồi gia đã bắt đầu tin tưởng và tự nguyện đến với văn phòng. Nhiều trường hợp, người nhà cũng đã ủng hộ, cùng với con em mình đến Văn phòng hồi gia để cùng được trao đổi và nghe tư vấn.
Chia tay chị em T. ra về, chúng tôi còn nhớ nụ cười hiền lành và câu nói chân thành của cậu: “Em sẽ cố gắng quên đi quá khứ buồn, tin tưởng vào cuộc sống để làm lại từ đầu…”. Nhớ Thuận với dự định thành lập một thư viện mi ni với những quyển sách tu dưỡng bản thân, để nâng đỡ tinh thần cho người hồi gia. Nhớ hình ảnh các bạn cán sự ân cần giải thích, hướng dẫn người hồi gia tìm hiểu quy định về chương trình cho vay vốn làm kinh tế do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Những hình ảnh và việc làm này, theo các cán sự Văn phòng hồi gia không gì khác hơn là để người hồi gia có được niềm vui trọn vẹn khi trở về nhà.
KIỀU OANH