Đề phòng cháy từ xa

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC-CNCH (Bộ Công an), hơn 55% vụ cháy lớn xảy ra ngoài giờ làm việc. Đây là thời điểm doanh nghiệp, cơ sở tạm ngừng hoạt động nên có rất ít người trực, bảo vệ. Số liệu thống kê cho thấy, cứ 118 vụ cháy lớn thì có đến 22 vụ báo cháy muộn trên 20 phút, 39 vụ do báo cháy muộn trên 10 phút đã khiến hỏa hoạn chuyển biến theo chiều hướng khó lường.

Ý thức PCCC chưa cao

Tháng 7-2021, cả nước xảy ra 497 vụ cháy và sự cố cháy, làm 12 người thương vong. Cơ quan chức năng nhận định so với tháng 6-2021, số vụ cháy tăng 29 vụ. Dù số người thương vong có giảm nhưng thiệt hại về tài sản tăng đến 9,4 tỷ đồng. Đáng nói, trong tháng 7 có 317 vụ cháy xảy ra ở khu vực thành thị. Đồng thời Cục Cảnh sát PCCC-CNCH nhận định, tình trạng cháy nhà dân chưa có dấu hiệu ngừng diễn biến phức tạp. Đơn cử, vụ cháy nhà dân ở TP Thủ Đức (TPHCM) ngày 2-7 đã khiến 1 người thiệt mạng. 

Kiểm tra an toàn cháy nổ ở Bệnh viện dã chiến số 5. Ảnh: Công an TPHCM
Thực tế, nhiều vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người chủ yếu xuất hiện ở nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà chung cư cao tầng hay cơ sở kinh doanh có điều kiện như khu vui chơi, giải trí tập trung đông người (quán bar, vũ trường, karaoke...). Thông thường, các vụ cháy không gây nhiều thiệt hại về tài sản nhưng có khả năng gây nhiều tổn thất về người. Ngược lại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng dễ cháy (giấy, nhựa, cao su...) là địa điểm có thể khiến tài sản thiệt hại nghiêm trọng nếu sự cố xảy ra. Đặc biệt, cơ quan chức năng kết luận nhiều công trình xây dựng bằng khung thép, mái tôn, tường gạch bao quanh với diện tích lớn, khả năng chịu lực, chịu nhiệt kém cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trường hợp cháy bất ngờ, những công trình trên không có giải pháp ngăn cháy và chống cháy lan. Vì thế, chỉ cần giặc lửa xuất hiện thời gian ngắn là công trình dễ sụp đổ. Công tác chữa cháy, CNCH vì thế mà gặp nhiều khó khăn. 


Tại một hội thảo về PCCC do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC-CNCH, liệt kê nguyên nhân những hạn chế, thiếu sót liên quan đến các vụ cháy nổ thời gian qua. Bên cạnh nguyên nhân khách quan (đô thị hóa, biến đổi khí hậu), Đại tá Nguyễn Minh Khương cho rằng vẫn tồn đọng nhiều nguyên nhân chủ quan trong quản lý, chế tài cùng ý thức PCCC, trách nhiệm người dân chưa cao đã dẫn lửa đến từng nhà. Chính vì thế, giai đoạn 2021-2025, Bộ Công an triển khai nhiều giải pháp đến từng đơn vị trực thuộc, công an địa phương nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.

Theo dõi chặt, kiểm soát gắt

Thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương huy động nhiều lực lượng, phương tiện khi thực tập phương án xử lý tình huống cháy nổ quy mô lớn. Nhờ đó, không ít tỉnh thành nâng cao tính chủ động trong phối hợp xử lý sự cố cháy nổ; góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại. 3 năm qua, hàng trăm ngàn phương án chữa cháy, CNCH ở cơ sở sản xuất, khu dân cư được xây dựng mới tại nhiều địa phương. 

Cách đây không lâu tại TPHCM, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH công an 7 tỉnh, thành phía Nam tổ chức ký kết hoạt động phối hợp thực hiện công tác PCCC-CNCH. Thông qua ký kết, các đơn vị cảnh sát PCCC-CNCH có thể chủ động, triển khai đồng bộ, hiệu quả mọi giải pháp phòng chống cháy nổ và CNCH ở khu vực giáp ranh. Đồng thời công tác phối hợp tạo điều kiện giúp công an 7 tỉnh, thành xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác PCCC-CNCH. 

Theo Cục Cảnh sát PCCC-CNCH, tháng 7-2021, các đơn vị, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Điển hình, lực lượng chức năng đã kiểm tra an toàn PCCC 19.774 lượt cơ sở; lập 19.774 biên bản kiểm tra. Qua đó, cơ quan có thẩm quyền kiến nghị khắc phục 17.561 tồn tại, thiếu sót; xử phạt vi phạm hành chính 378 trường hợp; tạm đình chỉ hoạt động 29 trường hợp, đình chỉ hoạt động 10 trường hợp vi phạm quy định an toàn cháy nổ.

Bên cạnh đó, không ít địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Ghi nhận tại nhiều nơi thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, cảnh sát PCCC-CNCH và công an địa phương ra sức tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp an toàn PCCC; xây dựng phương án chữa cháy, CNCH. Cơ quan chức năng đang nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn an toàn PCCC ở khu dân cư bị cách ly, khu cách ly tập trung, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, tất cả đơn vị đảm bảo nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu; xây dựng phương án di chuyển người dân tại khu vực cách ly đến nơi an toàn khi có sự cố cháy; sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện chi viện khi có yêu cầu.

Thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Cục Cảnh sát PCCC-CNCH khuyến cáo người dân lưu ý thực hiện nghiêm quy định an toàn PCCC khi sử dụng lửa, điện và khí đốt hóa lỏng. Quan trọng không kém, mỗi người cần hình thành thói quen quan sát, chuẩn bị lối thoát nạn đề phòng sự cố bất ngờ. Khi có cháy, người dân phải thật bình tĩnh xử lý; báo cho người xung quanh biết và tìm cách thoát khỏi đám cháy nhanh nhất. Người dân không nên trú ẩn dưới gầm giường, tủ quần áo, nhà vệ sinh, không dùng thang máy để thoát hiểm. Tóm lại, mỗi gia đình cần dự phòng nhiều phương án thoát hiểm đề phòng tai nạn, sự cố cháy nổ.

Tin cùng chuyên mục