Dễ vay vốn ở kênh chính thức, “tín dụng đen” sẽ bị đẩy lùi

Tại buổi tọa đàm nhận diện, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” do Báo Người Lao động tổ chức ngày 20-1, Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, cho biết, những năm gần đây hoạt động tín dụng đen ngày càng phổ biến với nhiều băng nhóm tội phạm. 
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TẤN THẠNH
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TẤN THẠNH

Một số đối tượng người Trung Quốc còn móc nối với cơ sở ở trong nước để cho vay nặng lãi thông qua các App (ứng dụng trên điện thoại thông minh) vay tiền khiến nhiều người dân sập bẫy “tín dụng đen”. 

Tại tọa đàm, đại diện các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng cũng cho biết, hiện các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình, gói cho vay tiêu dùng cá nhân nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Tuy nhiên, hiện một bộ phận không nhỏ người dân vẫn tìm đến “tín dụng đen”, trong đó có lý do người dân chưa tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng vì nhiều thủ tục. 

Về việc này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tăng cường tham gia sâu hơn vào thị trường, tiếp cận khách hàng để đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân. Người dân dễ dàng vay vốn ở kênh chính thức, tín dụng đen sẽ bị thu hẹp và đẩy lùi. Mặc dù vậy, ông Đào Minh Tú cũng cho rằng, việc đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ “tín dụng đen” cần sự nhất quán vào cuộc của các bộ ngành địa phương và các cơ quan chức năng. Đặc biệt là việc trấn áp đối với “tín dụng đen” phải được coi trọng trong các hoạt động của lực lượng công an, tòa án, viện kiểm sát (nếu trở thành vụ án).

Bắt 6 đối tượng cho vay nặng lãi 365%/năm

Chiều 20-1, Công an thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phá thành công chuyên án cho vay nặng lãi, bắt giữ các đối tượng Trần Thị Sang, Phạm Văn Tú, Đào Văn Linh, Nguyễn Hữu Thành cùng trú tại tỉnh Thừa Thiên - Huế; Lê Quốc Lãm và Trần Văn Hậu cùng trú tại tỉnh Nghệ An. 

Các đối tượng bước đầu khai nhận, bằng hình thức dán, phát các tờ rơi quảng cáo cho vay hoặc thông qua người quen giới thiệu, các đối tượng đã tiếp cận và cho nhiều người dân trên địa bàn vay tiền với lãi suất rất cao từ 146%-365%/năm; chỉ tính trong năm 2020, các đối tượng đã cho vay khoảng 1,5 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 340 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục