Đề xuất không tổ chức HĐND quận và HĐND phường tại thành phố Hải Phòng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng ý với mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng như Chính phủ đề xuất. Theo đó sẽ không tổ chức HĐND quận và HĐND phường. Các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận và HĐND phường thực hiện trước đây được chuyển sang HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; UBND, chủ tịch UBND quận...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Theo tờ trình của Chính phủ, chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND thành phố và UBND thành phố. Chính quyền địa phương ở các quận tại thành phố Hải Phòng là UBND quận. UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố, chủ tịch UBND thành phố.

Chính quyền địa phương ở các phường tại thành phố Hải Phòng là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; UBND, chủ tịch UBND quận; UBND, chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố.

DỰ 9.jpg
Đại biểu tham dự phiên họp

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Hải Phòng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận và HĐND phường thực hiện trước đây được chuyển sang HĐND, UBND, chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; UBND, chủ tịch UBND quận; HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố và UBND, chủ tịch UBND phường thực hiện; đồng thời bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan này.

Quy định về mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng nêu trên dự kiến được thực hiện ngay mà không qua thí điểm.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành quan điểm của Chính phủ; hồ sơ dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình bảo đảm đầy đủ theo quy định.

TÙNG.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

“Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay, các thành phố trực thuộc trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội; đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghị quyết chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Những nội dung khác liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù, khác với luật của Quốc hội thì nên được thực hiện thí điểm để bảo đảm đúng theo yêu cầu của Bộ Chính trị và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ cơ sở của việc đề nghị tăng số lượng phó chủ tịch UBND quận, phường để tăng tính thuyết phục, vì quy định này chưa phù hợp với chủ trương về giảm số lượng cấp phó và chưa thực sự tương đồng với một số địa phương khác cũng đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị; bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thị xã để khi thành lập thị xã thuộc thành phố Hải Phòng cũng không ảnh hưởng đến việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị.

Các ý kiến tại phiên họp thống nhất với tờ trình của Chính phủ. Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: "Hồ sơ đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp (kỳ họp thứ 8 của Quốc hội). UBTVQH tán thành mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng như Chính phủ đề xuất".

Tin cùng chuyên mục