Đề xuất thay đổi quy định về hiến tặng mô, tạng

Việt Nam quy định từ 18 tuổi mới được hiến tặng mô, tạng là rào cản lớn và chúng ta cũng đang đi ngược thế giới là phải đi vận động từng người đi hiến mô, tạng.

Ngày 28-6, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã tổ chức hội thảo quốc tế “Tư vấn vận động và điều phối tạng hiến từ người chết não, chết tim”.

Việc hiến tặng mô, tạng ở nước ta còn hạn chế do nhiều rào cản về luật pháp và tâm lý

Việc hiến tặng mô, tạng ở nước ta còn hạn chế do nhiều rào cản về luật pháp và tâm lý

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức do thiếu nguồn tạng để ghép, trong khi người bệnh cần ghép tạng rất lớn. Hiện nay, Việt Nam quy định từ 18 tuổi mới được hiến tặng mô, tạng là rào cản lớn và chúng ta cũng đang đi ngược thế giới là phải đi vận động từng người hiến mô, tạng.

Do đó, một số ý kiến đề nghị, Việt Nam cần học tập mô hình nước ngoài, ghi thông tin đồng ý hiến tặng mô, tạng ở mặt sau của bằng lái xe. Đồng thời, cần sửa đổi luật cho phép cha mẹ hoặc người giám hộ của người vừa qua đời được quyền quyết định hiến mô, tạng cho người có nhu cầu; cho phép phạm nhân được hiến tặng mô, tạng. Bởi nếu luật sửa đổi theo hướng này, sẽ mở rộng cơ hội nhiều người chết não sẽ hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương đang thực hiện một ca ghép gan

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương đang thực hiện một ca ghép gan

Trước các đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, để khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định pháp luật hiện hành, Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong đó định hướng tập trung sửa đổi các vấn đề, như: độ tuổi người hiến, quyền lợi đối với người hiến; cơ chế tài chính trong hiến, ghép mô, tạng; các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân lực tham gia điều phối, tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng.

Đối với vấn đề tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng, Bộ Y tế dự kiến sửa đổi theo hướng quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hội, tổ chức tôn giáo, các điều kiện bảo đảm, nhằm phát huy vai trò nòng cốt của các hội và sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng, từ đó cùng chung tay góp phần tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người từ người cho chết não.

Thống kê của Bộ Y tế, nếu năm 2014, cả nước mới có 265 người đăng ký hiến tạng thì đến cuối tháng 6-2023 đã có 73.213 người đăng ký hiến tạng và 7.498 ca ghép tạng thành công. Tuy nhiên cả nước mới thực hiện 146 ca lấy, ghép mô, tạng từ người chết não hiến tặng nên số lượng các ca ghép tạng từ người cho sống vẫn chiếm hơn 90%.

Tin cùng chuyên mục