Đêm nghệ thuật kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ: Bản hùng ca Mậu Thân 1968

Tối 25-7, tại Nhà hát Quân đội phía Nam đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2018) với chủ đề “Bản hùng ca Mậu Thân 1968”.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Chương trình do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Quốc tế IMC Việt Nam tổ chức. Tới tham dự chương trình có các đồng chí: Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Thị Trung Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam; cùng đông đảo các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân TPHCM và đặc biệt là sự có mặt của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang. Trong đó có 3 khách mời danh dự là bà Nguyễn Thị Hiếu, quê ở Mỹ Hạnh, Đức Hòa, tỉnh Long An; ông Ngô Bá Chính, cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn; ông Vũ Đình Luật, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 968 (quân tình nguyện mặt trận Nam Lào).

Bà Nguyễn Thị Hiếu có gia đình gồm 3 thế hệ với 9 người phụ nữ được nhà nước phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 31 người con, cháu là liệt sĩ, 8 người là thương binh. Bản thân bà tham gia kháng chiến từ năm 1957, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bà là người xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch, tham gia đấu tranh giành chính quyền… Khi đất nước hòa bình, bà đã tham gia chăm lo người nghèo, gia đình liệt sĩ và đến nay đã tặng hơn 100 căn nhà tình nghĩa, tình thương.

Theo Trung tướng Lê Văn Hân, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một bản hùng ca của dân tộc, đóng vai trò quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh, từ đó buộc quân Mỹ phải chấp nhận rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc tổng tấn công và nổi dậy cũng là một bản hùng ca bi tráng khi nhiều cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại. Người cựu binh Biệt động Sài Gòn Ngô Bá Chính kể lại trận đánh vào khu cổng số 5 Bộ Tổng Tham mưu của quân đội Việt Nam Cộng hòa đêm mùng 1 Tết Mậu Thân 1968. Trận đánh ác liệt đến mức sau trận chiến, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã phải san bằng, phá hủy cổng này. Còn người cựu binh Vũ Đình Luật đã kể lại những câu chuyện về hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ. 

Ở phần nghệ thuật, chương trình đã mang đến cho khán giả những ca khúc đầy xúc động về những năm tháng hào hùng đấu tranh giành độc lập, giải phóng thống nhất đất nước. Các ca khúc như Bản hùng ca 68, Dáng đứng Việt Nam, Huệ đỏ, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Trái tim người lính… do các ca sĩ, nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng - nhạc - vũ kịch TPHCM biểu diễn. 

Trong chương trình nghệ thuật, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã trao tặng 10 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 50 triệu đồng đến các mẹ Việt Nam anh hùng và 10 suất quà (tổng trị giá 20 triệu đồng) đến thân nhân một số gia đình liệt sĩ. Dịp này, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 tổ chức chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ” (nhắn TALS gửi số 1405, mỗi tin nhắn tương đương ủng hộ 20.000 đồng) từ ngày 12-6 đến hết ngày 10-8-2018. Toàn bộ số tiền có được qua chương trình sẽ dùng để hỗ trợ việc giám định AND xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin, tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm và quà đến các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn.

Tin cùng chuyên mục