Đền đáp bao nhiêu cũng là chưa đủ với sự hy sinh của người có công

 Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 _ 27-7-2017), phóng viên Báo SGGP trao đổi với Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn về công tác đền ơn đáp nghĩa và những vấn đề đặt ra hiện nay. 
 
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn
Kế thừa truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã có nhiều công sức, sáng tạo các hình thức để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Thêm nhiều hỗ trợ

° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, những ngày này cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Với hơn 271.000 người có công với cách mạng, TPHCM có những hỗ trợ thiết thực, chăm lo như thế nào cho người có công trong dịp 27-7?

° Ông LÊ MINH TẤN: Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng “Uống nước nhớ nguồn”, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân, dịp 27-7, TPHCM tổ chức nhiều hoạt động trang trọng, thiết thực, hiệu quả. 

TP tổ chức các đoàn lãnh đạo TP thăm, tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách của TP. TPHCM tập trung tu bổ, sửa chữa nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược và các nghĩa trang. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức được phát động mỗi người làm một việc tốt tri ân các anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng. Tối 26-7, các bạn trẻ TP đồng loạt thắp nến tri ân ở 26.000 mộ liệt sĩ tại 7 nghĩa trang của TPHCM. Bên cạnh đó, TP có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm ảnh kỷ niệm 70 năm ngày 27-7. 

Đặc biệt, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, TPHCM có thêm nhiều hỗ trợ tăng thêm thu nhập cho đối tượng chính sách có công. Trong đó, ngoài chế độ người có công đã được hưởng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (thực hiện trong cả nước), TP còn hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng cho 650 người là thương bệnh binh nặng, thân nhân 2 liệt sĩ, người có công có hoàn cảnh khó khăn. TPHCM cũng hỗ trợ thêm cho 1.900 thương binh (trong tổng số 26.000 thương binh) có nhu cầu lắp tay giả là 15 triệu đồng/trường hợp và lắp chân giả là 35 triệu đồng/trường hợp. Sự hỗ trợ này nhằm giúp các thương binh có điều kiện sử dụng phương tiện chỉnh hình thẩm mỹ, nhẹ nhàng, di chuyển thuận lợi theo công nghệ hiện đại. Dịp 27-7 năm nay, TP có 3 mức quà tặng (2 triệu đồng, 1 triệu đồng và 500.000 đồng) dành cho hơn 78.500 đối tượng chính sách. Tổng kinh phí tổ chức kỷ niệm dịp 27-7 của TPHCM là hơn 42 tỷ đồng, tăng gần 4 tỷ đồng so với năm 2016. 

° Vì sao số người được tặng quà là 78.500 người mà không phải là 271.000 người, thưa ông?

° Ngày 27-7 là Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nên đối tượng chăm lo cũng như tên gọi của ngày này. Diện đối tượng chính sách có công rất đa dạng, trong dịp 27-7, TPHCM tập trung chăm lo hơn 78.500 người có công thuộc các diện là mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Các diện người có công khác được tặng quà vào dịp Tết Nguyên đán và thực hiện chế độ chính sách theo quy định.  

° TPHCM đã có nhiều sáng tạo trong chăm lo cho người có công. Theo ông, các mô hình, cách làm nào tạo được nhiều dấu ấn trong hàng chục năm qua?

° Từ ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn quan tâm đến đời sống của người có công và coi đây là nhiệm vụ chính trị phải ưu tiên hàng đầu. 

Nhằm cải thiện cuộc sống cho người có công, TP bắt đầu những bước thử nghiệm và kêu gọi người dân cùng tham gia. Từ đây, nhân dân TP đã dành nhiều công sức, tiên phong sáng tạo nhiều hình thức để chăm sóc người có công. Đầu tiên là mô hình “Vườn cây tình nghĩa”, được gầy dựng ở phường 12, quận Gò Vấp. Tiếp theo là “Vườn rau, ao cá tình nghĩa” ở nhiều quận, huyện. Bốn năm sau, vào năm 1982, từ nghĩa cử cao đẹp của người dân TP, một căn nhà tình nghĩa đầu tiên trong cả nước đã được trao tặng cho vợ chồng hai thương binh ở huyện Củ Chi. Như ngọn gió thổi bùng lòng nhân ái, phong trào xây dựng nhà tình nghĩa - nghĩa cử tri ân cao đẹp của nhân dân TPHCM - đã lớn mạnh từng ngày. Đến nay, toàn TP đã xây dựng được hơn 17.000 căn nhà tình nghĩa. Có thể nói, cơ bản người có công trên địa bàn TP đã có nhà ở khang trang, sạch đẹp. Dấu son nhà tình nghĩa từ TPHCM cũng đã lan tỏa ra các địa phương trong cả nước và trở thành điểm sáng tri ân của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. 

Cùng với đó, TP thực hiện chủ trương đưa hết anh chị em thương bệnh binh nặng từ khu Phước Bình về địa phương sinh sống. TP đã tạo mọi điều kiện thuận lợi như cấp đất, cấp nhà mặt tiền hoặc có vị trí gần nơi buôn bán cho trên 600 thương binh. Chính quyền và các đoàn thể ở địa phương còn bảo trợ, giúp đỡ họ bằng nhiều hình thức như trợ vốn làm ăn, tặng xe đạp, tặng xe gắn máy, xe lăn… Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM còn tổ chức xe duyên cho nhiều cặp vợ chồng thương binh nặng tưởng như không còn điều kiện xây dựng gia đình. Nhờ thế, hầu hết thương bệnh binh nặng đều có cuộc sống ổn định về vật chất, tinh thần, nhiều gia đình trở nên khá giả. 

Tương tự là việc chăm sóc bố mẹ, vợ liệt sĩ già yếu, phụng dưỡng suốt đời mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu con liệt sĩ chưa đến tuổi trưởng thành. Đây là những chương trình TP đã thực hiện hiệu quả nhiều năm qua. 

Đặc biệt, phong trào xây dựng xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng. Người dân TPHCM vốn có truyền thống nhân nghĩa, giàu lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ, nhờ vậy, việc chăm lo gia đình có công đi sâu từng tổ dân phố, từng ấp, đến từng gia đình. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã thu hút hàng triệu tấm lòng đóng góp 132 tỷ đồng, góp phần chăm sóc các đối tượng có công, giúp người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân ở địa phương.

Chính sách chưa tương xứng với sự hy sinh  

° Vấn đề trăn trở hiện nay là nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa rõ hoặc còn thiếu thông tin. Không ít ngôi nhà tình nghĩa xây dựng lâu năm cũng đã xuống cấp. Ông chia sẻ gì trước những trăn trở của người có công và thân nhân?

° Tôi rất chia sẻ với nỗi trăn trở của người có công và thân nhân. Do đặc thù của TP, hiện nay vẫn còn 10.000 mộ chưa biết thông tin hoặc mới biết một phần thông tin, 724 mộ vọng (không có hài cốt). Trước thực tế này, TP đã có Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. TP tiếp tục động viên, phát huy vai trò trách nhiệm của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ. Chúng ta phải chung sức và tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ để các anh trở về với đất quê mẹ yên nghỉ.  

TPHCM là nơi khởi đầu chủ trương xây nhà tình nghĩa, từ đầu những năm 1980. Trải qua từ đó đến nay, nhiều căn nhà xây dựng từ lâu đã xuống cấp. Vì thế, TP đã và đang rà soát toàn bộ thực trạng 17.000 căn nhà tình nghĩa. Qua rà soát, riêng trong 3 năm trở lại đây, TP đã xây mới, sửa chữa hơn 2.700 căn (trị giá 121 tỷ đồng). Không phải như vậy là xong, mà TP vẫn tiếp tục rà soát, khi phát sinh nhà tình nghĩa xuống cấp, hư hỏng sẽ có biện pháp hỗ trợ phù hợp. 

Hiện nay, tuy rằng các chế độ chính sách với người có công đã được cải thiện nhiều, song còn chưa xứng đáng với hy sinh của người có công và thân nhân. Vì giải quyết chính sách là vấn đề lâu dài, theo tôi, Pháp lệnh ưu đãi người có công cần được nâng lên thành luật, để có tính pháp lý mạnh hơn, xuyên suốt hơn, kịp thời giải quyết các vấn đề đặt ra trong công tác này. Việc xây dựng chính sách ưu đãi với người có công mà cụ thể là điều chỉnh mức trợ cấp để họ có mức sống trung bình hoặc cao hơn mức sống của người dân trên cùng địa bàn phải mang ý nghĩa thiết thực. Trợ cấp ưu đãi cần được xem là nghĩa vụ và trách nhiệm của Nhà nước, là sự tôn vinh của toàn xã hội bởi sự cống hiến hy sinh của người có công với Tổ quốc là vô giá, không có gì có thể bù đắp hết được. Vì thế, việc điều chỉnh trợ cấp cần nhanh chóng, kịp thời, sao cho phù hợp với mức sống xã hội. 

° Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, song hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp chưa được giải quyết chế độ, chính sách có công. Nhiều người trong số đó đã chờ đợi quá lâu, tuổi cao sức yếu. Với trách nhiệm của mình, ông sẽ làm gì?

° TPHCM đang tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận là người có công với cách mạng. Tôi khẳng định, trước 27-7, TP giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đồng thời, các diện khác: hồ sơ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; hồ sơ người có công giúp đỡ cách mạng; thanh niên xung phong các thời kỳ… sẽ được TPHCM làm liên tục và cố gắng giải quyết hết trước cuối năm 2018. 

TP xem xét, đề nghị xác nhận người có công một cách chặt chẽ, nghiêm túc. Đồng thời, cán bộ làm chính sách tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin, mọi căn cứ để làm cơ sở xác nhận người có công. Với các bậc cao tuổi, tôi đã yêu cầu cán bộ ngành LĐTB-XH phải trực tiếp đến nhà giúp người kê khai làm hồ sơ. Cán bộ không được ngồi văn phòng để yêu cầu người dân đi lại, nộp hết hồ sơ này đến giấy tờ nọ. Cán bộ phải làm bằng cái tâm và trách nhiệm của mình, bởi nếu chậm trễ thì chúng ta sẽ không có cơ hội đền ơn người có công với nước! 

Tin cùng chuyên mục