Đền thiêng soi bóng

Sông Long Đại đoạn chảy qua xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), nơi từng là bến phà Long Đại năm xưa, có một ngôi đền thờ liệt sĩ. Tự lúc nào, nơi lưu giữ và tri ân quá khứ trở thành chốn chở che cho trăn trở của hậu nhân.

Trở lại thôn Long Đại vào một ngày tháng 4 lịch sử, cụ Trương Thị kể với chúng tôi và những người du khách đến viếng thăm đền liệt sĩ: “Chiến tranh bom đạn trút xuống Long Đại nhiều vô kể, người nằm xuống để giữ mảnh đất này cũng ngần ấy mất mát. Khi hòa bình lập lại, bà con ai cũng mong có ngôi đền thờ các liệt sĩ ngã xuống vì nước non.

Báo SGGP đã vận động kinh phí, xây cất được ngôi đền ở vị trí đắc địa, trước mặt là sông, sau lưng là núi”. Ngôi đền được đưa vào sử dụng năm 2013, nằm trên đồi cao như phóng tầm mắt thật xa để ôm vào lòng, gìn giữ cho hết mảnh đất này. Từ ngày ngôi đền hoàn thành, người dân một lòng chăm lo khói hương bất kể ngày đầu tháng, ngày rằm, hay lễ tết… như chăm viếng cho chính tổ tiên mình.

Đền thờ liệt sĩ phà Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh do Báo SGGP vận động tài trợ, xây dựng với kinh phí hơn 10 tỷ đồng

Đền thờ liệt sĩ phà Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh do Báo SGGP vận động tài trợ, xây dựng với kinh phí hơn 10 tỷ đồng

Ngày nay, khi ngược xuôi trên tuyến đường Hồ Chí Minh, người dân thường dừng chân, ngưỡng vọng ngôi đền thiêng giữa núi rừng Trường Sơn. Chị Nguyễn Thị Luyến (Nghệ An) chia sẻ: “Từ xưa, gia đình luôn giữ thông lệ đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ở Quảng Trị. Trong 10 năm qua, gia đình còn đến viếng Đền thờ liệt sĩ ở Long Đại, có thêm một nơi chốn để nhắc nhớ về quá khứ hào hùng của dân tộc, là tri ân nhưng cũng để rọi soi mình”.

Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh, chia sẻ: “Tôi có duyên với Đền thờ liệt sĩ Long Đại, với Báo SGGP. Khi còn là Bí thư Tỉnh đoàn, tôi được giao trọng trách bám sát xây dựng đền thờ. Nay với cương vị Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh, khi có dịp vào công tác, tôi đều đến dâng hương kính cẩn nghiêng mình trước các liệt sĩ. Huyện Quảng Ninh có thêm ngôi đền là có thêm một địa chỉ cho các thế hệ hành hương hướng về”.

Trong những năm chiến tranh, Hiền Ninh có 2 nơi đặt trụ sở Đoàn 559 do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chỉ huy. Nếu ở những vùng khác, trụ sở đoàn thường đặt trong vườn nhà dân hay trong hệ thống hang động thì tại xã Hiền Ninh, chỉ huy sở Đoàn 559 ngoài đóng tại 2 nơi trên còn trưng dụng 3 nhà thờ họ đặt điện đài, chỉ huy tác chiến. Các nhà thờ họ Lê, họ Trương, họ Nguyễn đặt chỉ huy sở đoàn là một sáng tạo. Khi đất nước hòa bình, cả 3 nhà thờ họ đều được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hiền Ninh là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, có công với cách mạng, trải qua những gian truân hàng trăm năm xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, địa phương này được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang vào năm 1994.

Người dân xã Hiền Ninh làm nông nghiệp bằng cơ giới

Người dân xã Hiền Ninh làm nông nghiệp bằng cơ giới

Cũng như những người con lớn lên từ vùng đất anh hùng, ông Trương Tuyên, một cựu binh, luôn dặn dò con cháu noi theo các thế hệ đi trước, phấn đấu xây dựng quê hương làng xóm ngày một phát triển để không hổ thẹn với cha ông. Bởi thế, xã Hiền Ninh bên dòng sông Long Đại ngày nay đã vươn vai trở mình đầy năng động.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017, chuẩn bị xây dựng nông thôn mới nâng cao, phát triển thêm nhiều ngành nghề, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm…

Tiếng chuông ngân vọng từ trên cao ghi tạc vào đại ngàn Trường Sơn tấm lòng của hậu thế đối với tiền nhân, nghiêng mình trước quá khứ để vững vàng hướng đến tương lai. Dòng Long Đại soi bóng đền thiêng như một chứng nhân ghi dấu phát triển cho mảnh đất này…

Tin cùng chuyên mục