Phim Kong: Đảo đầu lâu đã lập kỷ lục phòng vé tại Việt Nam khi trong tuần đầu công chiếu đã đạt doanh thu hơn 100 đồng tỷ với hơn 1,3 triệu lượt khán giả. Trong khi đó, Kong thu về trên toàn thế giới hơn 162 triệu USD.
Phim được đầu tư 321 triệu USD (185 triệu USD sản xuất và chi phí quảng bá toàn cầu 136 triệu USD). Để hòa vốn, Kong phải đạt 642 triệu USD vì nhà phát hành phim sẽ hưởng 50% tiền vé. Một số nhà phân tích cho rằng, với tình hình bán vé như tuần qua, Kong khó mà gỡ vốn.
Vậy người Việt xem Kong: Đảo đầu lâu vì gì? Phần lớn đến rạp để xem cảnh sắc Việt Nam trong một phim do Hollywood thực hiện đẹp đến đâu. Đây là tâm lý phổ biến, khi mà những cảnh quay Kong: Đảo đầu lâu ở hang động Tú Làn, động Phong Nha (Quảng Bình), khu sinh thái Tràng An, đầm Vân Long (Ninh Bình) hay vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), còn rất nhiều người Việt chưa từng bước chân đến.
Đạo diễn Bá Vũ, phân tích: Khác biệt lớn nhất giữa khán giả Việt và khán giả các nước là gì? Đó là khán giả người ta chú trọng đến nội dung phim, còn người nhà mình chủ yếu thích xem... phim đẹp! Đặc biệt là cảnh đẹp, sau đó đến diễn viên đẹp! Từ khi Kong: Đảo đầu lâu xuất hiện tới nay, bà con mình khắp nơi nơi chỉ thấy khen... phim đẹp. Thật lòng mà nói, dân làm phim khắp năm châu, sợ nhất là khán giả khen phim quay đẹp, cảnh đẹp, diễn viên đẹp... Vì điều đó nghĩa là nội dung phim khán giả không quan tâm.
Nếu Kong: Đảo đầu lâu chỉ thành công về sự đẹp nhưng lại thất bại về mặt nghệ thuật và doanh thu thì du lịch Việt Nam có khởi sắc hơn khi trông cậy vào bộ phim này?
Cảnh trong phim "Kong: Đảo đầu lâu "
Họa sĩ Vũ Huy, người Việt Nam duy nhất tham gia thiết kế bối cảnh Kong: Đảo đầu lâu, nhận định: “Cảnh trong phim xuất hiện rất nhanh. Khi người ta xem phim hành động thì làm gì có thời gian ngắm cảnh Việt Nam. Đừng vội kỳ vọng Hollywood quảng bá du lịch cho Việt Nam, họ chọn mình vì chi phí thấp mà thôi”.
Nhưng ví dụ như Kong: Đảo đầu lâu thực sự giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh và thu hút du khách thì sao? Theo một khảo sát của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, có đến 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam một đi không trở lại.
Nếu thực sự nhờ Kong, một ngày đẹp trời du khách thế giới đến nước ta tăng đột biến, cách nào giữ chân họ và khiến họ muốn trở lại nhiều lần? Khi mà nạn “chặt chém” du khách ở khắp mọi nơi, giao thông không an toàn, thực phẩm bẩn, trộm cướp… khiến ngay chính người Việt cũng ngại du lịch trong mấy ngày lễ tết, huống chi là người nước ngoài đến xứ ta.
Chưa kể ở nhiều địa phương, khi có du khách là nghĩ ngay đến việc tận thu “vét túi” khách thập phương bằng mọi giá. Ví dụ như phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh quay ở Phú Yên giúp tỉnh này tăng lượng du khách nội địa đáng kể. Phú Yên lâu nay thuộc vùng trũng du lịch so với hai tỉnh láng giềng là Khánh Hòa và Bình Định. Thế nhưng, khi khách cả nước đổ về cho biết “hoa vàng cỏ xanh” ra sao, lập tức nhiều cảnh đẹp nơi này vốn bỏ hoang bỗng xuất hiện cái barie để bán vé thu tiền. Trong khoảng một năm, Phú Yên bán vé cho du khách tham quan gành Đá Dĩa và hải đăng Mũi Điện được hơn 3 tỷ đồng. Đây là số tiền đáng kể với một tỉnh nghèo nhưng cái cách họ dùng tiền vé để trả lại cho những cảnh đẹp này rất chệch choạc. Chẳng hạn, gành Đá Dĩa đẹp vốn dĩ tự nhiên, vậy mà họ cho dựng hàng rào bê tông giả tre, cổng chào giống như hang động ở các khu du lịch Suối Tiên, Đầm Sen. Đây không phải cách tôn tạo cảnh quan mà là phá hoại những gì thiên nhiên đã ban tặng.
Nhờ Kong mà du lịch Việt Nam khởi sắc? Câu chuyện đó không dễ dàng như mua vé vào rạp xem phim!
HOÀNG NHÂN