Dẹp nạn cấp giấy kiểm dịch khống

Trước tình trạng ở nhiều địa phương, cán bộ kiểm dịch cơ sở vì lợi riêng đã và đang vô tư cấp giấy kiểm dịch khống đối với các đàn gia súc, gia cầm vận chuyển đi các nơi tiêu thụ, thậm chí còn hợp thức hóa gia cầm nhập lậu từ biên giới, heo và trâu bò mắc dịch lở mồm long móng, tai xanh từ vùng có dịch ra chợ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần vừa yêu cầu Cục Thú y phải mạnh tay xử lý những cán bộ vi phạm.

Trước tình trạng ở nhiều địa phương, cán bộ kiểm dịch cơ sở vì lợi riêng đã và đang vô tư cấp giấy kiểm dịch khống đối với các đàn gia súc, gia cầm vận chuyển đi các nơi tiêu thụ, thậm chí còn hợp thức hóa gia cầm nhập lậu từ biên giới, heo và trâu bò mắc dịch lở mồm long móng, tai xanh từ vùng có dịch ra chợ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần vừa yêu cầu Cục Thú y phải mạnh tay xử lý những cán bộ vi phạm.

Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, thừa nhận, thời gian gần đây đã lộ ra một số trường hợp cán bộ vi phạm trong công tác thú y. Trong đó, nổi lên là tình trạng cán bộ thú y cơ sở bán giấy kiểm dịch hoặc cấp giấy kiểm dịch khống cho các thương lái kinh doanh, xe chở gia súc, gia cầm.

Theo quy định của Bộ NN-PTNT, gia súc gia cầm muốn được kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ phải đảm bảo điều kiện sạch bệnh, nuôi hợp pháp. Tuy nhiên hiện nay, để hợp thức hóa nguồn gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn hoặc nhập lậu vào Việt Nam, các thương lái đã tìm cách mua giấy chứng nhận kiểm dịch, chứng nhận tiêm phòng và cán bộ thú y cơ sở sẵn sàng tiếp tay. Nổi bật là trường hợp vừa xảy ra ở tỉnh Đồng Nai. Cán bộ thú y ở đây đã bán hàng loạt giấy kiểm dịch khống cho thương lái.

Được biết, hiện có 2 loại giấy kiểm dịch khống. Một loại không cần biết động vật vận chuyển có dịch hay không hoặc biết là hàng có dịch, gia súc gia cầm không được tiêm phòng nhưng vẫn cấp giấy kiểm dịch, cho vận chuyển đi tiêu thụ. Một loại là vẫn tiến hành các bước kiểm dịch nhưng giấy kiểm dịch đã được ký và đóng dấu sẵn.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng khá phổ biến hiện nay là giấy kiểm dịch đã được ký và đóng dấu sẵn, sau đó cán bộ thú y cơ sở bán cho thương lái đem đi mua heo, gà, trâu bò ở bất cứ đâu có thể để vận chuyển đi tiêu thụ.

Cục trưởng Hoàng Văn Năm thừa nhận, cấp giấy khống rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng ở chỗ, thương lái không có tâm thường mua thịt ở chỗ có dịch, bị dịch (hoặc nhập lậu) vì giá rất rẻ. Sau đó, dùng giấy kiểm dịch khống để đưa đi tiêu thụ như hàng sạch bệnh.

Để phát hiện những trường hợp heo, trâu bò, gà có dịch mà vẫn có giấy chứng nhận sạch bệnh không đơn giản, cần phải thông qua nhiều khâu kỹ thuật. Chẳng hạn heo bị lở mồm long móng vận chuyển trên ô tô, cần phải xịt nước, chiếu đèn để kiểm tra và cần phải có những cán bộ có trách nhiệm cao mới phát hiện được.

“Sau khi nhận được thông tin cán bộ thú y của tỉnh Đồng Nai để xảy ra tiêu cực, Cục Thú y đã chỉ đạo khắc phục ngay và bản thân tôi phải trực tiếp vào để thực hiện việc cách chức Trạm trưởng trạm thú y ở đây, thu hồi toàn bộ giấy kiểm dịch khống và chấm dứt hợp đồng với một cán bộ thú y cơ sở” - ông Năm nói.

Để thực sự ngăn chặn tình trạng để lọt kiểm dịch, Cục Thú y sẽ quy trách nhiệm cho cán bộ các chốt, trạm kiểm dịch dọc các cung đường vận chuyển. Theo đó, nếu phát hiện được gia súc, gia cầm vận chuyển bị dịch bệnh mà chủ xe không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc vẫn có giấy chứng nhận an toàn sạch bệnh, đã được kiểm dịch thì các chốt, trạm trước đó phải chịu trách nhiệm.

"Bộ NN-PTNT nghiêm cấm việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch khống cho chủ hàng, hoặc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, nhưng không trực tiếp kiểm tra, không rõ nguồn gốc, mục đích sử dụng của lô hàng. Ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm, nội tạng động vật vào Việt Nam, các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm"

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục