Những ngày Tết Bính Thân vừa qua, các trang mạng xã hội và báo chí lại đưa tin nhiều về nạn “chặt chém” dịp tết. Từ dịch vụ giữ xe, ăn uống cho đến khách sạn,... cái gì cũng “chém”, cũng “chặt” thể hiện một lối kinh doanh chụp giựt, ăn xổi, coi thường khách hàng.
Trước đây, nạn “chặt chém” chủ yếu thường được các tờ báo đưa tin nhưng với số lượng ít. Ngày nay, khi mạng xã hội phát triển, nạn “chặt chém” được “tường thuật” rất kịp thời với số lượng ngày một lớn. Mùng 2 Tết vừa qua, một du khách từ TPHCM đến du lịch tại Đà Nẵng, khi mua 2 hộp cơm hải sản mới tá hỏa khi chủ quán hét giá 200.000 đồng/hộp. Ngay lập tức, vị du khách này đưa lên facebook và được cộng đồng xã hội chia sẻ, kêu gọi tẩy chay quán ăn này.
Còn nhớ cách đây chừng chục năm, dọc quốc lộ 1A, từ Bắc chí Nam xuất hiện hàng loạt quán cơm tù chuyên “chặt chém” hành khách với giá gấp nhiều lần. Sau khi báo chí lên tiếng, nhiều địa phương dọc quốc lộ 1A đã ra quân dẹp, và chỉ trong một thời gian ngắn, các quán cơm tù đã bị xóa sổ, tạo niềm vui cho những hành khách di chuyển trên tuyến Bắc - Nam.
Lâu nay, TP Đà Nẵng là địa phương làm tốt trong kiểm soát giá cả thị trường. Một vài khách sạn tăng giá quá 50% so với quy định liền bị các tổ liên ngành của thành phố lập tức kiểm tra, lập biên bản xử phạt. Nếu đơn vị nào tái phạm nhiều lần sẽ bị xem xét rút giấy phép hoạt động. Nhờ vậy, nạn “chặt chém” dường như vắng bóng ở Đà Nẵng.
Thế nhưng, trên thực tế, ở một số địa phương khác, nạn “chặt chém” trong dịch vụ ăn uống, giữ xe, tiền phòng khách sạn,... lại cứ lặp đi lặp lại mà chẳng thấy chính quyền địa phương vào cuộc một cách quyết liệt. Vì thế cứ vào dịp lễ, tết, dư luận lại bức xúc về nạn “chặt chém”, ví nó như những hạt sạn trong bữa cơm thịnh soạn.Qua việc xử lý nạn cơm tù, nạn hàng rong, nạn xin ăn,... cho đến việc xử lý nghiêm vụ “hộp cơm hải sản giá 200.000 đồng” cho thấy, nếu chính quyền địa phương thực sự cầu thị, xử lý quyết liệt, kịp thời, thì sẽ dẹp được nạn kinh doanh “chặt chém”, giữ được môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh.
Nguyên Khôi