Dệt may gồng mình chờ đơn hàng

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các thị trường xuất khẩu chính chưa hồi phục đã ảnh hưởng lớn ngành dệt may trong nước. Bước vào quý 4, các doanh nghiệp (DN) đang phải “chạy ăn từng bữa”, chia sẻ cho nhau những đơn hàng hiếm hoi không lợi nhuận để tiếp tục chờ thị trường sớm phục hồi trở lại.
May veston xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu tại Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG
May veston xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu tại Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG

Hoạt động cầm cự

Theo dự báo và phân tích từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may sẽ hồi phục và khởi sắc chậm nhất vào quý 4-2020. Rất nhiều DN dệt may kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 3, 4. Tuy nhiên, trở lại các công ty vào thời điểm này, chúng tôi ghi nhận tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ dịch Covid-19. Các DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa đang ngày càng thu hẹp sản xuất, cầm cự gia công từng đơn hàng nhỏ để trả lương cho số công nhân ít ỏi đang giữ lại để chờ đợi những đơn hàng trong tương lai.

Tại Công ty TNHH May mặc Phú Thành Nam (quận 12), cách nay vài tháng vẫn còn trên 400 công nhân nhộn nhịp vào ca, nay chỉ còn 1/3. “Thời điểm dịch bắt đầu bùng phát, các khách hàng Mỹ, châu Âu của công ty đều tạm ngưng, cam kết sẽ ký lại đơn hàng và thanh toán công nợ vào tháng 8, 9. Nhưng nay, họ thông báo khách hàng vẫn chưa trả tiền nên tiếp tục khất nợ, còn thông tin về tái ký đơn hàng thì hẹn qua tháng 12. Hiện nay, DN đã đóng cửa 2 trong 3 xưởng để duy trì sản xuất khoảng 40% nhằm có việc làm cho công nhân và chờ xem tình hình”, lãnh đạo Công ty TNHH May mặc Phú Thành Nam cho hay. Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Line Style (huyện Hóc Môn), ông Nguyễn Văn Chiến chia sẻ: “Chúng tôi hiện rất khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Là công ty nhỏ chuyên gia công hàng váy đầm đi Nhật, do ảnh hưởng của dịch, khách hàng đang nợ hơn 10 tỷ đồng chưa thu hồi được. Để duy trì hoạt động, công ty phải nhận lại đơn hàng các DN khác chia sẻ; chấp nhận giá gia công rẻ, trước đây 1USD cho một sản phẩm, thì nay bạn hàng giao ép giá còn 0,5USD, nhưng vẫn phải làm để có cái trả lương cho công nhân. Công nhân theo mình bao năm, nay gặp khó khăn bỏ rơi không đành”.    

Không chỉ DN nhỏ và vừa phải “ăn đong” từng bữa, một số đơn vị lớn cũng không ngoại lệ. Đại diện Tổng Công ty May 10 cho biết, từ tháng 3 tới nay, các đơn hàng lớn bị sụt giảm trầm trọng. Hiện đang là mùa làm hàng thu đông, Giáng sinh, năm mới, nhưng tại các thị trường trong tốp đầu nhập khẩu hàng dệt may như Hoa Kỳ, châu Âu... không khí rất ảm đạm, giao dịch gần như ngưng trệ. Đơn hàng về các mặt hàng chủ lực của May 10 trong những năm qua như veston, sơ mi, quần Âu và các sản phẩm thời trang công sở bị cắt giảm mạnh, từ 40-60%. Tổng Công ty CP May Việt Tiến cũng báo lãi quý 2 giảm 40%, chỉ còn 52,5 tỷ đồng. Chưa kể, nhiều khách hàng còn xin khất nợ, khiến các DN sản xuất đã khó càng thêm khó. 

Đòn bẩy từ thị trường nội

Theo đánh giá của Bộ Công thương, đến thời điểm này, chỉ có một số DN nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, 10, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Nguyên nhân là sức mua các mặt hàng tiêu dùng ở các thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt. Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ; tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng mặt hàng quần áo đang chững lại. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến 9 tháng đầu năm 2020 ngành dệt may Việt Nam chỉ xuất khẩu được 25,5 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang dự đoán, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2020 đạt được cao nhất khoảng 34 tỷ USD, trong khi mục tiêu đặt ra là 40 đến 42 tỷ USD.

Trước diễn biến hiện tại, để bù đắp những thiếu hụt đơn hàng tại thị trường quốc tế, đại điện Vitas cũng như giới chuyên gia cho rằng, các DN dệt may cần đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Bởi, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân vẫn luôn giàu tiềm năng, khai thác tốt sẽ tạo đòn bẩy cho ngành dệt may vượt qua khủng hoảng. Bên cạnh đó, cần hạn chế thấp nhất sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ chất lượng sản phẩm. Về lâu dài, để nâng cao hiệu suất ngành dệt may, giải pháp là cần thúc đẩy liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc vào các nước cung cấp nguyên phụ liệu, đồng thời đáp ứng yêu cầu xuất xứ của Hiệp định CPTPP, EVFTA… khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, cần có vai trò của Chính phủ trong việc phát triển quy hoạch, cơ chế chính sách cấp bách hỗ trợ DN ngành dệt may.

Tin cùng chuyên mục