Báo chí Pháp đang xôn xao về vụ thuốc Depakine điều trị chứng động kinh bị che giấu tác dụng phụ có thể gây hiện tượng dị tật ở bào thai.
Theo tiết lộ của tuần báo Le Canard Enchaine, Bộ Y tế Pháp dường như đã nhận được kết quả một nghiên cứu từ tháng 7-2016, nhưng đã che giấu thông tin với các gia đình. Nghiên cứu do Cơ quan bảo hiểm sức khỏe và Cơ quan an toàn dược phẩm (ANSM) thực hiện cho hay, 10.000 phụ nữ mang thai trong giai đoạn 2007-2014 đã được kê thuốc Depakine.
Depakine được đưa vào thị trường từ năm 1967, có chứa chất sodium valproate, dùng để chữa chứng động kinh (một dạng bệnh thần kinh ảnh hưởng khoảng 500.000 người tại Pháp). Lúc đầu, loại thuốc này được giới chuyên khoa thần kinh đón nhận nhiệt tình. Tuy nhiên, theo 2 nhật báo Les Echos và La Croix, trong vòng những năm 1960 - 1980, giới y khoa đã bắt đầu nhận thấy hiện tượng dị tật thai nhi ở những bà mẹ có dùng thuốc Depakine. Nhất là vào những năm 1980, các bác sĩ ghi nhận chất sodium valproate làm tăng rủi ro dị tật ở trẻ sơ sinh.
Bộ Y tế Pháp tiếp tục hứng búa rìu dư luận từ bê bối thuốc Depakine
Đến nay, rủi ro này đã được các nghiên cứu chỉ ra cụ thể. Chất sodium valproate có thể gây ra chứng dị tật thai nhi trong số 10% sản phụ nếu dùng trong quá trình mang thai. Và có đến 30%-40% trẻ sinh ra có triệu chứng chậm đi, chậm nói, rối loạn trí nhớ và khả năng nhận thức. Nghiên cứu của các cơ quan chức năng y tế còn chỉ rõ những đứa trẻ này có rủi ro mắc chứng tự kỷ cao (gấp 5 lần so với bình thường). Còn theo Tổng cục thanh tra các vấn đề xã hội Pháp, trong giai đoạn 2006-2014, có khoảng từ 425-450 trường hợp trẻ sơ sinh chết non hay phải sống với những dị tật bẩm sinh hoặc bị phơi nhiễm chất sodium valproate ngay từ trong bụng mẹ. Nhật báo La Croix đặt câu hỏi: Tại sao các bác sĩ không thông báo cho bệnh nhân của họ biết về những tác dụng phụ của thuốc dù họ đã biết được từ những năm 1980?
Đây không phải là vụ bê bối duy nhất về sức khỏe công tại Pháp. Trong vòng 7 năm, nước Pháp biết đến 4 vụ. Năm 2009 xảy ra vụ Mediator, một loại thuốc giảm cân do hãng dược Servier bào chế, chuyên trị chứng tiểu đường hay còn được dùng để giảm cân. Loại thuốc này bị cho là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 2.000 người, do các độc tính của thuốc gây hại cho các van tim. Tai tiếng nổ ra, Cơ quan giám sát về sức khỏe và ANSM mới đưa ra ánh sáng những xung đột lợi ích giữa các hãng dược và các cơ quan chức năng.
4 năm sau, nổ ra vụ PIP, một loại gel silicon giá rẻ được dùng để tạo ngực giả. Loại ngực giả dùng chất PIP này có thể bị rạn nứt và rất nguy hiểm cho người dùng. Ông Jean-Claude Mas, người đã đưa ra thị trường loại ngực giả trên đã bị kết án 4 năm tù giam vì tội dối trá bệnh nhân. Theo các cơ quan chức năng, khoảng 18.000 phụ nữ đã phải cho rút túi ngực giả này. Mới đây nhất là vụ Biotrial vào đầu tháng 1 năm nay. Vụ thử thuốc lâm sàng biến thành bi kịch khi anh Guillaume Molinet (49 tuổi) đã qua đời sau nhiều ngày hôn mê sâu. Anh đã tham gia vào việc thử nghiệm thuốc lâm sàng do hãng dược Biotrial sản xuất tại bệnh viện ở Rennes.
Trước những vụ tai tiếng liên tục trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, Nhật báo La Croix cho rằng các cơ quan chức năng đã không biết rút ra các bài học kinh nghiệm từ những vụ việc tích lũy từ nhiều năm qua. Hồ sơ đau đớn về vụ Depakine này buộc các cơ quan chức năng giám sát dược phẩm phải suy ngẫm lại toàn diện sao cho có sự điều phối và thông tin một cách tốt nhất về tất cả các bộ phận trong ngành y dược, từ khâu sản xuất cho đến việc kê toa, và cả khâu giám sát.
MINH CHÂU