Di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Ba Son: Giữ lại Ụ tàu và công nhận cụm di tích này

Hội thảo “Di tích lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng tại TPHCM - Dấu ấn trong phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn những năm 1920” do Sở VH-TT-DL TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM phối hợp tổ chức chiều ngày 19-8 đã đặt vấn đề về thực trạng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích lưu niệm Tôn Đức Thắng tại TPHCM.
Di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Ba Son: Giữ lại Ụ tàu và công nhận cụm di tích này

Hội thảo “Di tích lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng tại TPHCM - Dấu ấn trong phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn những năm 1920” do Sở VH-TT-DL TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM phối hợp tổ chức chiều ngày 19-8 đã đặt vấn đề về thực trạng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích lưu niệm Tôn Đức Thắng tại TPHCM.

Niềm tự hào của công nhân Sài Gòn và cả nước

Ụ tàu được xây dựng từ năm 1884

Ụ tàu được xây dựng từ năm 1884

Tại TPHCM có nhiều địa danh gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đó là xưởng Ba Son- nơi in dấu những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi của Bác Tôn; trường Bá nghệ Sài Gòn (nay là trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng) – nơi Bác Tôn vận động học sinh tham gia bãi khóa năm 1912; đình Bình Đông (quận 8), nhà máy đèn Chợ Quán (quận 5) là những nơi Bác Tôn tập hợp, đoàn kết công nhân, thợ thuyền để thành lập tổ chức Công hội bí mật, từ đó tổ chức các phong trào đấu tranh chống sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp. Bằng nhiều biện pháp khôn khéo, tổ chức này đã gắn bó mật thiết với công nhân, lao động góp phần rút ngắn giai đoạn đấu tranh tự phát của phong trào công nhân VN. Công hội bí mật do Bác Tôn sáng lập có ý nghĩa hết sức to lớn, trở thành linh hồn của phong trào đấu tranh của công nhân thập niên 20.

Vai trò và công lao lớn nhất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là sáng lập tổ chức Công hội nhằm tập hợp, đoàn kết công nhân lao động để nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ giai cấp, giúp họ trưởng thành, chiến đấu trở thành những người cộng sản chân chính. Nếu công hội bí mật do Tôn Đức Thắng sáng lập là sáng tạo lịch sử trong phong trào công nhân thì ngược lại, chính phong trào công nhân đã làm nền tảng để tạo nên tầm vóc một lãnh tụ Tôn Đức Thắng- vừa là kiến trúc sư lỗi lạc vừa là niềm tự hào của công nhân Sài Gòn và cả nước.

TPHCM không thể vắng bóng Ba Son

Sở dĩ câu chuyện liên quan đến việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lưu niệm Tôn Đức Thắng tại TPHCM được dư luận quan tâm thời gian qua là do TPHCM đã có quy hoạch xây dựng nơi đây thành Khu trung tâm thương mại dịch vụ phức hợp giải trí, văn hóa, giáo dục và nhà ở (Trung tâm thương mại phức hợp Sài Gòn- Ba Son). Râm ran câu chuyện di tích lịch sử quốc gia Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại XNLH Ba Son đang hiện hữu lại bị đề nghị phá bỏ để làm mô hình thu nhỏ, rồi chuyện phá bỏ ụ tàu được xây dựng từ năm 1884 – một minh chứng về ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam xuất hiện từ rất sớm phát triển đến bây giờ… đã khiến dư luận bức xúc.

“TPHCM không thể vắng bóng Ba Son”, Đại tá Ngô Long Minh, nguyên Tổng giám đốc XNLH Ba Son khẳng định. Ông dẫn chứng: “Ở đây có ụ lớn và ụ nhỏ. Ụ nhỏ là nơi giai cấp vô sản thợ thuyền ra đời. Ụ lớn là quả tim của nhà máy, là nơi tàu thuyền ra vào để sửa chữa. Nếu không có ụ, không có tàu thì làm sao hình thành được nhà máy. Nếu chỉ bảo tồn nhà xưởng theo hướng thu nhỏ, bỏ đi mấy cái ụ tàu hàng trăm năm tuổi thì di tích này còn ý nghĩa gì nữa? Mà thu hẹp xưởng, phá bỏ ụ tàu thì đã làm mờ nhạt vai trò của Bác Tôn mất rồi. Bác Tôn không chỉ là thợ cơ khí trong xưởng mà còn là thợ trên tàu, lãnh đạo phong trào công nhân khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn. Giữ lại toàn bộ khu vực này như một minh chứng cho nền văn minh sông nước, ngành kinh tế biển của ta đã có từ lâu đời”.

Đồng tình với ý kiến này, TS Phạm Hữu Mý, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích TPHCM cho rằng: “XNLH Ba Son là di tích gắn với sự kiện quan trọng trong lịch sử, trong phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn, rất cần phải bảo tồn nguyên trạng”.

Bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM nhận định: “Di tích lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng là di sản quý báu của phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn, của cách mạng VN, không chỉ bảo tồn mà di tích này cần được phát huy giá trị tốt hơn nữa thời gian tới”. Được biết, tháng 9-2012, Thành ủy TPHCM đã có văn bản chính thức chỉ đạo liên quan đến dự án: không san lấp lấn sông Sài Gòn, không tăng mật độ dân số, giữ lại ụ tàu và lập hồ sơ công nhận cụm di tích tại khu vực này.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng để phát triển bền vững, việc quy hoạch Trung tâm thương mại phức hợp Sài Gòn- Ba Son cần gắn với bảo tồn di tích lưu niệm Tôn Đức Thắng. Nơi đây cần xây dựng Bảo tàng giai cấp công nhân hay Bảo tàng ngành Hàng hải Việt Nam, bởi Ba Son là nơi khởi nguồn, đóng những chiếc tàu đầu tiên từ “Xưởng thủy” thời chúa Nguyễn (thế kỷ 18). Không chỉ là cái nôi phong trào đấu tranh của công nhân, Ba Son còn ghi dấu sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, bằng chứng nền kinh tế biển VN, qua đó khẳng định VN là quốc gia có chủ quyền biển từ lâu đời. Dỡ bỏ di sản là dỡ bỏ chứng tích lịch sử của chính mình.

Minh An

Tin cùng chuyên mục