Đi tìm chất phố - Bài 3: Bản sắc không phải tự có

Để hoàn thiện bộ mặt đô thị, phát triển kinh tế đêm, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố, các không gian như phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm chính là những điểm nhấn quan trọng. Nhưng hiện vẫn còn nhiều điều bị bỏ quên trong những không gian này.

Tác phẩm cất kho, phố phường lạc điệu

Mỹ thuật chính là nét đẹp văn hóa thẩm mỹ của mỗi đô thị, là điểm tiếp cận đầu tiên với cộng đồng, du khách khi đến một địa phương, khu vực, đất nước và thể hiện rõ trình độ dân trí, sự phát triển của đô thị, hay vùng miền. Và việc tạo dựng “chất” riêng cho mỗi con phố, nhất là phố đi bộ, không chỉ lưu ý đến những đặc điểm hình thành ban đầu. Chính yếu tố mỹ thuật đô thị góp phần tạo ra bản sắc và dấu ấn riêng để mỗi con phố trở thành điểm lui tới và ở lại trong lòng cư dân, du khách.

Tại TPHCM, mỹ thuật trong đô thị còn nhiều trăn trở, các không gian văn hóa công cộng gần như thiếu bóng dáng của các điểm nhấn như tượng điêu khắc. Hiện tại, chỉ phố đi bộ Nguyễn Huệ đang có 3 tượng điêu khắc. Trong khi, các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí mỹ thuật đô thị qua các trại sáng tác trong nước và quốc tế thì còn cất trong kho. Người dân, du khách đến phố đi bộ, chắc hẳn không chỉ để mua ly nước hay ngồi chơi, họ cần được xem, chiêm ngưỡng những dấu ấn của vùng đất mà họ đang sống, đang đến tham quan, qua những tác phẩm nghệ thuật.

TS Mã Thanh Cao, giảng viên Trường Đại học Văn Lang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ: “TPHCM vẫn chưa có bản quy hoạch tổng về điêu khắc ngoài trời, dù từ năm 1999 đến nay, nhiều cuộc họp đã diễn ra. Loại tượng vườn, tượng công viên, đường phố tại không gian công cộng ở TPHCM hiện tại có rất ít và cần được quan tâm, bổ sung phù hợp. 40 tác phẩm từ Trại sáng tác năm 2005 hiện trưng bày tập trung tại một khu trong Công viên Văn hóa Tao Đàn; nhiều tác phẩm từ Trại sáng tác năm 2015 vẫn còn nằm tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (TP Thủ Đức)... Các tác phẩm từ Trại sáng tác năm 2005 không có chế độ bảo quản thường xuyên, cũng không có kế hoạch di dời đến các không gian phù hợp. Thực tế là TPHCM thiếu rất nhiều tác phẩm điêu khắc cho không gian công cộng như phố đi bộ, trong khi những tác phẩm đang có lại bị bỏ quên, điều này rất lãng phí”.

Những câu hỏi cần lời đáp

Tại một tọa đàm về không gian văn hóa công cộng ở TPHCM, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, cho rằng, trong quá trình phát triển, lãnh đạo TPHCM luôn coi trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Tuy nhiên, với xu hướng đô thị hóa nhanh, thành phố đang thiếu cây xanh, quảng trường lớn - nhỏ thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng. TPHCM có thêm tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, cùng tuyến đường dọc các bờ kênh, nhưng cần đầu tư thêm các nội dung văn hóa - nghệ thuật, nhằm tạo ra sự phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Không gian trước Nhà hát Thành phố, Bưu điện Thành phố có dàn nhạc biểu diễn định kỳ, nhưng chưa có sự tương tác với cộng đồng, chỉ phục vụ người qua đường thì chưa đủ.

Người dân, du khách chụp hình với nhân tượng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Người dân, du khách chụp hình với nhân tượng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đó là nói về các giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế đêm. Không gian buôn bán ở phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm thiếu tính đa dạng thì cũng khó lòng giữ chân người đến. Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, đặt vấn đề: “Liệu là phố đi bộ hay mở ra để có nơi tụ họp mua bán? Quán ăn lớn - nhỏ trong thành phố không thiếu, chúng ta có cần đi đâu cũng ăn, chỗ nào cũng bán như vậy không? Việc phát triển kinh tế đêm, nhất là ngành du lịch, rất xứng đáng để đầu tư, nhưng cũng tùy vào từng địa phương. Mỗi quận, huyện nên chú trọng các di sản mình đang có, bảo tồn và phát huy để đủ sức hấp dẫn đưa vào khai thác du lịch, từ đó liên kết tour du lịch các quận, huyện với nhau. Quận, huyện nào thích hợp hãy nghiên cứu đến chuyện mở thêm phố đi bộ, phố ẩm thực và bày bán thứ gì, món gì cũng cần cân nhắc, để tạo ra một điểm nhấn về văn hóa - ẩm thực”.

Cần phải nói đến vấn đề quan trọng không kém là vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi này. Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Chủ tịch UBND quận 10, cho rằng, để quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả tại các tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, trách nhiệm của người kinh doanh, rất cần nâng cao ý thức của người tiêu dùng nói “không” với thực phẩm không an toàn; kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho cơ quan chức năng… Nhưng trên thực tế, với những sản phẩm được bày bán na ná nhau như vậy, người tiêu dùng “biết đâu mà lần” sản phẩm nào an toàn, sản phẩm nào không, nếu không được nhìn thấy khu vực chế biến?

Theo TS Nguyễn Thái Giao Thủy, Khoa Văn hóa và Du lịch, Trường Đại học Sài Gòn, ngoài những ưu điểm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ thì hàng rong còn bày bán tràn lan và thiếu các phương tiện di chuyển công cộng, không có bãi đậu xe dành cho du khách. Còn phố đi bộ Bùi Viện chỉ thuận tiện cho người đi bộ vào ban đêm nhưng ban ngày thì xe máy và ô tô ra vào rất hạn chế do nơi này là khu cư trú có mật độ cao. Điểm trừ dành cho phố đi bộ này là từ khi đi vào hoạt động đến nay thường xuyên xảy ra các cuộc “gây sự” của khách nhậu, gây mất trật tự an ninh. Riêng các khu chợ đêm, phố ẩm thực chỉ hấp dẫn du khách một thời gian ngắn, vì không duy trì được sự phong phú, đa dạng cũng như chất lượng, giá cả hàng hóa.

Ở góc độ người làm truyền thông du lịch, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist, cho rằng, cần phải có quy hoạch cụ thể cũng như đánh giá tác động môi trường sống xung quanh (giao thông, buôn bán, tiếng ồn…), trong đó có các tuyến phố ẩm thực đêm mang lại. “Muốn phố đêm “sống” được, cần có thêm các hoạt động, trải nghiệm về đêm khác, như các loại hình vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật về đêm mà các nước đang làm. Nhà nước giữ vai trò nhạc trưởng để kết nối, điều phối các hoạt động, còn doanh nghiệp sẽ bắt tay triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Minh Mẫn đề xuất.

Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM: Kêu gọi các nhà đầu tư chung tay

Phát triển kinh tế đêm là một trong những định hướng lớn của TPHCM. Hiện tại thành phố cũng đang huy động sự tham gia của các ngành, các quận huyện, TP Thủ Đức, nhà đầu tư… vào việc này. Đối với du lịch, chúng tôi tham gia việc phát triển kinh tế đêm thông qua xây dựng tour tuyến kết nối các dịch vụ kinh tế đêm đã hình thành trong thời gian qua, góp phần thu hút, tăng chi tiêu của du khách đến. Bên cạnh đó, sở cũng đồng hành với các sở, ngành khác xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm một cách bài bản; khuyến khích, kêu gọi đầu tư nhiều hơn các chương trình nghệ thuật, biểu diễn về đêm. Song song đó, kiểm soát tốt về an ninh, an toàn cho du khách…

Kiến trúc sư KHƯƠNG VĂN MƯỜI: Để người dân tham gia quản lý cùng nhà nước

Việc phát triển các tuyến phố đi bộ để thu hút du lịch, đáp ứng nhu cầu của cư dân là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc phát triển cần có lộ trình tính toán cụ thể và nên để người dân tham gia quản lý cùng nhà nước. Việc đa dạng các hoạt động từ mua bán, trình diễn trên phố đi bộ là điểm nhấn để thu hút khách, nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân; quản lý tình trạng mua bán, tránh nhếch nhác bộ mặt cảnh quan. Và việc tổ chức phố đi bộ, không phải lúc nào cũng chỉ dành riêng cho đi bộ. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng tổ chức phố đi bộ cuối tuần hoặc theo khung giờ trong ngày, có quy định về phương tiện và tốc độ lưu thông trên phố.

TS NGUYỄN THÁI GIAO THỦY, Khoa Văn hóa và Du lịch, Trường Đại học Sài Gòn: Phố đi bộ phải có đặc trưng riêng

Tại các tuyến đi bộ cần có những khu vực dành riêng tổ chức đa dạng các chương trình văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật dân gian, nghệ thuật đường phố, biểu diễn ẩm thực... Ngoài ra, cần tạo thêm điểm nhấn của mỗi khu vực bằng các tác phẩm mỹ thuật như tranh, tượng, biểu diễn ánh sáng nghệ thuật... Như thế, ngoài việc thu hút khách du lịch còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí lành mạnh của người dân thành phố. Chỉ khi tạo ra được các nét đặc trưng riêng của mỗi phố đi bộ, phố ẩm thực mới có thể góp phần nâng cao chất lượng đô thị, góp phần phát triển và giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam đến bạn bè các nước, nhằm phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung.

Tin cùng chuyên mục