Dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn 3, phải giãn cách xã hội

Ngày 2-4, thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, kể từ khi chạm mốc 100 ca mắc Covid-19 vào ngày 22-3, sau 7 ngày cả nước có thêm 71 ca mắc mới, thời điểm 9 ngày nâng lên 103 và sau 10 ngày nâng lên 127 ca, nâng tổng số ca mắc đến sáng 2-4 là 227 ca.

Theo đánh giá của ban chỉ đạo, tốc độ gia tăng số ca mắc Covid-19 của Việt Nam thấp hơn nhiều so với quy luật chung của thế giới. Lý giải về việc này, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, chính nhờ Việt Nam có chiến lược phù hợp và làm tốt ngay từ giai đoạn đầu nên đã trì hoãn thời gian dịch Covid-19 lây ra cộng đồng.

Tuy nhiên, ông Phu cũng chỉ rõ, hiện nay dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao nên trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo có thể chống dịch thành công. Việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sẽ giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh sẽ không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng.

PGS-TS Trần Đắc Phu cũng cho biết, những ngày gần đây, Việt Nam ghi nhận nhiều ca mắc lây lan trong cộng đồng. Trước đây những ca lây lan trong cộng đồng vẫn xác định được ca F0 (ca bệnh đầu tiên) nhưng đến ổ dịch tại Buddha (TPHCM) hay Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thì không thể xác định được ca F0. Nếu dịch lan quá nhanh, không khoanh vùng được sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế. Khi đó tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao do bác sĩ không thể dồn sức, tập trung cứu các bệnh nhân nặng. 

* Những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, có đặt vấn đề cách ly xã hội. Từ ngày 1-4, đã có một số địa phương tiến hành rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác hay tạm dừng các công trình xây dựng. Về việc này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, việc “ngăn sông cấm chợ” là sai chỉ đạo của Thủ tướng. Bởi việc đi lại của người dân từ nơi này sang nơi khác Chính phủ không cấm, chỉ khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, ngăn chặn bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, phong tỏa xã hội. Điều quan trọng là đảm bảo an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc Hà Nội lập các chốt kiểm soát trên các trục đường ra vào cửa ngõ thủ đô để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, điều tra dịch tễ là tốt vì sẽ sàng lọc được những người nghi ngờ nhiễm bệnh để có giải pháp phù hợp. VPCP đã trao đổi với các địa phương này, đề nghị thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16. VPCP cũng sẽ có văn bản cụ thể chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương. Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Tuy nhiên, nếu để xảy ra trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục