(SGGP).- Ngày 3-2, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường khẳng định, trường hợp bệnh nhân nam ở Vĩnh Long nghi mắc cúm A H5N1 đã được Viện Pasteur TPHCM lấy mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus H5N1. TS Nga cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, chỉ có 2 ca nghi nhiễm cúm A H5N1 (một ở Vĩnh Long và một ở Bắc Giang) nhưng đều có xét nghiệm âm tính với virus H5N1.
Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch cúm A H5N1 ở bùng phát trở lại trong dịp Đông Xuân, Bộ Y tế đã yêu cầu các sở y tế, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm A H5N1 trên người và lập đội thường trực chống dịch 24/24 giờ. Cục Y tế dự phòng và Môi trường sẵn sàng chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp chống dịch khi dịch xảy ra và tiếp tục kiểm tra công tác thường trực chống dịch tại các tỉnh địa phương.
Cũng về vấn đề cúm gia cầm, theo thông tin vừa được đưa ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm chiều 3-2 tại Hà Nội, dịch cúm gia cầm ở tỉnh Cà Mau đã lây lan thêm ra 8 hộ chăn nuôi ở 6 ấp của các xã Khánh Bình và Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời), nâng tổng số gia cầm mắc bệnh lên 3.330 con, trong đó chủ yếu là vịt với 3.317 con, gần 2.000 con đã chết, hơn 1.000 con phải tiêu hủy vì phát hiện dương tính với virus H5N1.
Bộ NN-PTNT khẳng định, từ đầu năm 2009 đến nay, cả nước liên tục xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng (LMLM). Trong đó, đã có 16.000 con gia cầm mắc dịch tại các tỉnh như Thái Nguyên, Thanh Hóa và Cà Mau buộc phải tiêu hủy. Đặc biệt, dịch cúm gia cầm ở Cà Mau hiện rất nguy hiểm, có nguy cơ lây lan rộng ra cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Chiều 3-2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn gửi tất cả các địa phương trong cả nước yêu cầu nhanh chóng dập tắt các ổ dịch bệnh nguy hiểm. Tổ chức giám sát đến tận cơ sở chăn nuôi và giao trách nhiệm giám sát cho các chính quyền cơ sở, nhân viên thú y.
Q. KHÁNH - V. PHÚC