Song hành cùng cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng EUR của châu Âu, nền kinh tế toàn cầu đang chứng kiến những bước chuyển lớn - đó là các thị trường mới nổi không còn trông chờ các nền kinh tế phát triển để tìm kiếm các giải pháp mà có hướng đi của riêng mình. Đây là nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick tại Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 42 đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ.
Thị trường mới nổi tự thân vận động
Phát biểu ngày 29-1, Chủ tịch Zoellick nêu rõ, những thay đổi lớn đã xuất hiện khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu tiếp diễn, không chỉ ở những con số kinh tế, mà còn ở nhận thức và quan điểm. Ông nhận định trong nền kinh tế thế giới hiện nay, các thị trường mới nổi không còn trông chờ các nước phát triển cùng hành động nữa mà họ đang “tự thân vận động” theo cách của mình.
Theo các chuyên gia, hướng đi riêng của một số quốc gia đang phát triển hướng tới phát triển thị trường nội địa để tránh bẫy thu nhập trung bình. Ví dụ như Trung Quốc chủ động giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, giới hạn những khoản đầu tư hỗ trợ các ngành công nghiệp xuất khẩu. Nước này thay đổi cán cân sang nhu cầu nội địa, đòi hỏi vốn đổ trực tiếp vào các doanh nghiệp nhỏ hơn phục vụ người tiêu dùng.
Trước đó, theo “Dự báo sự phát triển của các thị trường mới nổi” do Công ty kiểm toán Ernst & Young phối hợp với Viện Kinh tế Oxford dự đoán đến năm 2020, khoảng 50% GDP thế giới sẽ do các thị trường đang phát triển mang lại. Trong danh sách của Ernst & Young có 25 thị trường hàng đầu với tỷ lệ phát triển cao. Trước hết, đó là các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và các nước khác của Đông Âu, Mỹ Latinh, châu Á và Trung Đông. Tính trung bình, nền kinh tế của các nước này tăng trưởng 5,8% mỗi năm.
Người dân mất lòng tin
Trong khi các thị trường mới nổi tự tìm hướng đi riêng cho mình, thì Chủ tịch Zoellick cảnh báo ở phương Tây “một số người theo chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và lo lắng về khả năng đầu tư đang tấn công lòng tin, tạo ra nguy cơ làm tê liệt (nền kinh tế)”.
Thực tế, nhiều người dân Mỹ và châu Âu không còn tin tưởng vào chính phủ vì cho rằng giới chính trị có quan hệ quá gần gũi với giới tư bản tài chính. Theo Reuters, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008 đã biến thành một cuộc khủng hoảng chính trị ở Mỹ và châu Âu. Việc các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu không thể đưa mức thâm hụt ngân sách về mức an toàn và kích thích tăng trưởng kinh tế đã gây ra sóng gió trên các thị trường và tâm lý bất an trong xã hội.
Trong ngày 29-1, tại nhiều nước châu Âu tiếp tục diễn ra các cuộc tuần hành phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ để ổn định tài chính công. Tại Romania, hàng ngàn người đã xuống đường phản đối các biện pháp khắc khổ mà chính phủ đưa ra, vốn bị coi là thủ phạm khiến điều kiện sống của họ bị giảm sút. Còn tại Tây Ban Nha, hàng ngàn cảnh sát, giáo viên cùng các nhân viên y tế đã tổ chức một cuộc tuần hành rầm rộ tại thành phố Barcelona để phản đối kế hoạch tiết kiệm chi tiêu của chính quyền sở tại.
| |
Hạnh Chi