Điều chỉnh đến thôn, tổ dân phố và doanh nghiệp mới đảm bảo thực hiện tốt dân chủ ​

Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (được đề nghị đổi tên là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 23-3.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng ý phương án đổi tên luật như Chính phủ đề nghị và cho rằng cần xác định thôn, tổ dân phố cũng là đơn vị cơ sở để người dân thực hiện dân chủ.

“Tuy thôn, tổ dân phố không phải là một cấp chính quyền cơ sở, nhưng đây là thiết chế có tính chất tự quản quan trọng nhất của cộng đồng dân cư, là nơi gần dân nhất, thuận lợi cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nhất và có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, ông Tùng lý giải.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và một số thành viên UBTVQH đều đồng tình quan điểm này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Trong việc xác định cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào là cơ sở, cơ quan thẩm tra cho rằng đề nghị cần xác định rõ hơn tiêu chí để xác định cơ quan, đơn vị, bộ phận của cơ quan, đơn vị nào là đơn vị cơ sở để thực hiện dân chủ.

Nêu rõ quan điểm dự thảo luật này không điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại những cơ quan, đơn vị “có tính chất đặc thù” như Quốc hội, HĐND, hệ thống tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân, song Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng trong nội bộ từng cơ quan, tổ chức đều có bộ máy hành chính, đều diễn ra một số hoạt động quản lý hành chính, tài chính - ngân sách, công tác tổ chức cán bộ cần có sự công khai, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện từ các thành viên của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Do đó, thay vì loại trừ hoàn toàn như tại dự thảo luật thì cần quy định các nguyên tắc chung về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời giao trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào các nguyên tắc của luật này sẽ quy định cụ thể về việc thực hiện dân chủ cho phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù tại từng cơ quan, tổ chức, đơn vị có tính chất đặc thù.

Về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp - đây là nội dung Chính phủ xin ý kiến Quốc hội vì còn có 2 loại ý kiến khác nhau, cơ quan thẩm tra cũng có 2 loại ý kiến chính.

Một số tán thành với đề xuất của Chính phủ là luật chỉ quy định có tính nguyên tắc về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, nhưng để bảo đảm tương xứng, cân bằng với các loại hình dân chủ ở cơ sở khác, đề nghị bổ sung vào dự thảo luật một chương riêng quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, trong đó có thể luật hóa một số nội dung về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (doanh nghiệp) hiện được quy định trong nghị định của Chính phủ.

Tuy nhiên, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, bên cạnh các quy định đã có của pháp luật về lao động, dự thảo luật nên tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với doanh nghiệp nhà nước, là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về nội dung này cũng còn khác nhau. Ngoài các loại ý kiến như đã trình bày trên đây, có ý kiến còn đề nghị không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, vì cơ chế thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp khác rất nhiều so với dân chủ trong cơ quan nhà nước hay ở xã, phường, thị trấn; các nội dung này đang được quy định tại pháp luật về lao động, trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp… và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn.

Do đó, nếu quy định trong luật này mà không đưa ra được những nội dung mới, đặc thù thì sẽ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống pháp luật.

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề xuất có quy định chung về thực hiện dân chủ tại tất cả các loại hình doanh nghiệp và quy định chi tiết về dân chủ trong doanh nghiệp nhà nước.

“Tỷ lệ các loại hình doanh nghiệp khác chiếm tỷ lệ rất lớn, nếu không quy định nguyên tắc trong này sẽ tạo ra khoảng trống, chưa đủ sức mạnh về thực hiện dân chủ”, bà Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cân nhắc thấu đáo nhận thức về nội hàm “dân chủ”, để quy định với mức độ phù hợp, phòng tránh việc các đối tượng xấu lợi dụng để chống phá...

Tin cùng chuyên mục