Điều nhân xuất khẩu tăng nhưng cảnh báo về an toàn thực phẩm

Xuất khẩu điều nhân đã tăng 2 con số, trở thành nhóm nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD thời gian qua (9 tháng xuất khẩu 456.000 tấn nhân điều, trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước).
Sản xuất điều nhân để xuất khẩu
Sản xuất điều nhân để xuất khẩu

Chiều 10-10, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) phối hợp với Câu lạc bộ Phóng viên Kinh tế nông nghiệp chia sẻ thông tin đến báo chí. Tại đây, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS ghi nhận sự chuyển động tốt ở các thị trường chủ lực, trong đó, đáng chú ý là Hoa Kỳ, viêc nâng cấp quan hệ 2 nước lên mức Đối tác chiến lược toàn diện đã giúp cho doanh nghiệp 2 nước có thêm lòng tin và động lực.

Theo đó, xuất khẩu điều nhân đã tăng 2 con số, trở thành nhóm nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD thời gian qua (9 tháng xuất khẩu 456.000 tấn nhân điều, trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước). Những tháng cuối năm là cao điểm của xuất khẩu nên với chỉ tiêu 3,2 tỷ USD năm 2023 của ngành điều là khả thi.

Ông Phạm Văn Công cho biết, hiện nay nhân điều không còn là thực phẩm ăn chơi mà trở thành mặt hàng không thể thiếu của người tiêu dùng các nước phát triển, cụ thể là nhóm G7 (một trong nhóm thị trường chính xuất khẩu nhân điều Việt Nam), trong khi ở Ấn Độ là thực phẩm ăn chay hàng ngày.

Tuy nhiên, cũng cần tỉnh táo nhìn nhận, giá nhân điều thời gian qua đi xuống là xu hướng của thị trường thế giới, nhưng điều quan ngại là giá nhân điều Việt Nam lại giảm hơn so với Ấn Độ. Nhiều khả năng liên quan đến văn bản 2 hiệp hội ngành nghề là NDFTA (Hiệp hội Hạt và quả khô của Vương quốc Anh) và AFI (Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm, Hoa Kỳ) cùng một số khách hàng lớn khác cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm như: mối mọt (côn trùng) sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là sống còn trong cuộc cạnh tranh với thị trường điều thế giới

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là sống còn trong cuộc cạnh tranh với thị trường điều thế giới

Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực VINCAS, việc phản ảnh của khách hàng có thể xảy ra từ nhiều lý do: Cuối năm là thời kỳ mưa bão tập trung, nhất là các tỉnh phía Nam, là điều kiện côn trùng phát triển. Do cuối năm là cao điểm giao dịch trong năm, đơn hàng và sản lượng tăng, không ít doanh nghiệp không đủ nhân lực, thiết bị, dẫn đến giám sát chưa chặt. Đây là vấn đề ý thức của từng doanh nghiệp, nhưng khi sự việc xảy ra ảnh hưởng đến uy tín ngành chế biến điều Việt Nam.

Đại diện của hiệp hội này cho rằng, VINACAS là hiệp hội ngành nghề nên chỉ có thể khuyến cáo, các doanh nghiệp thành viên đều ký cam kết, những trường hợp vi phạm đa số rơi vào các doanh nghiệp chưa phải là thành viên của hiệp hội. Vì vậy, rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành nghề và địa phương để cùng giải quyết. An toàn vệ sinh thực phẩm trở thành vấn đề sống còn của ngành chế biến điều Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường nhân điều thế giới khốc liệt.

Theo ông Bạch Khánh Nhựt, các khách hàng cho biết, những sự cố kéo dài sẽ làm suy giảm lòng tin về chất lượng nhân điều Việt Nam; muốn khôi phục cần phải có thời gian dài. Vì vậy, cần có sự phối hợp kịp thời nhằm chấn chỉnh, khắc phục trong việc bảo vệ và xây dựng lòng tin cũng như thương hiệu chung ngành điều Việt Nam.

Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký VINACAS cho biết, Ban Thường vụ Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đang gấp rút chuẩn bị đoàn xúc tiến thương mại tại Nhật Bản, đúng thời điểm Thương vụ Việt Nam tại nước này phối hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Nhật Bản tổ chức Ngày doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật (ngày 2-11-2023). Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản mời và hỗ trợ VINACAS tổ chức hội thảo "Giao thương hạt điều Việt Nam - Nhật Bản” tại Tokyo và Osaka vào chiều ngày 6-11-2023.

Tin cùng chuyên mục