Đổ bệnh mùa nồm ẩm

Thời tiết nồm ẩm không chỉ ngoài trời mà tường và sàn trong nhà cũng ẩm ướt khó chịu. Thời tiết nồm ẩm thường kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng sức khỏe và đời sống người dân.
Thời tiết nồm ẩm khiến cho trẻ em dễ mắc bệnh về hô hấp
Thời tiết nồm ẩm khiến cho trẻ em dễ mắc bệnh về hô hấp

Hà Nội và nhiều tỉnh thành ở phía Bắc đang trong giai đoạn nồm ẩm, hiện tượng thời tiết đặc trưng thường xuất hiện vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Thời tiết nồm ẩm không chỉ ngoài trời mà tường và sàn trong nhà cũng ẩm ướt khó chịu. Thời tiết nồm ẩm thường kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng sức khỏe và đời sống người dân.

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nồm ẩm thường không cố định, sáng sớm hay có mưa phùn, đến buổi trưa bớt mưa nhưng chiều tối lại có thể chuyển lạnh nên rất dễ khiến mọi người nhiễm bệnh, nhất là trẻ em và người già. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, không khí có độ ẩm quá cao tạo điều kiện cho nhiều virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, Rubella phát triển gây bệnh. Trẻ khi mắc bệnh nếu không điều trị sớm, virus vào phổi có thể gây suy hô hấp rất nhanh. Đồng thời, các nấm mốc, vi nấm rất phát triển khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu, khiến nhiều người rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp gây bộc phát cơn hen suyễn. Đặc biệt, với trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát.

Thời tiết lạnh và ẩm kéo dài cũng khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh như: cúm mùa và nếu bị cúm, bệnh thường nặng và dễ xảy ra biến chứng viêm phổi, có những diễn biến xấu khó lường. Cùng với đó, các bệnh mãn tính như: xương khớp, viêm loét dạ dày, tá tràng, đau nhức xương khớp, huyết áp, tim mạch và hen phế quản... cũng thường gia tăng, hoặc tái phát. Không chỉ vậy, độ ẩm trong không khí quá cao, nền nhà trơn ướt cũng rất dễ gây ra những tai nạn cho người dân như: trượt, ngã, cũng như khiến nhiều người cao tuổi cảm thấy bứt bối, khó ngủ, ăn uống kém hơn.

Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày nồm ẩm, các gia đình nên giữ môi trường sống, nhà cửa sạch sẽ, khô ráo bằng việc sử dụng máy hút ẩm, hoặc điều hòa không khí, nếu không có nên đóng kín các cửa sổ để hạn chế hơi ẩm vào nhà. Thường xuyên lau nhà cửa bằng những loại vải dễ hút nước. Nên thường xuyên vệ sinh, thay chăn ga gối đệm để phòng tránh nấm mốc, ẩm ướt trú ngụ và phát triển vì đây là căn nguyên chính gây nên nhiều bệnh cho cơ thể. Duy trì nền nếp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ. Thường xuyên mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, bàn chân. Thường xuyên tập thể dục phù hợp sức khỏe. Tăng cường sức đề kháng bằng việc thay đổi ngay từ thực đơn trong các bữa ăn hàng ngày khoa học, hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng, nên cung cấp nhiều rau xanh, hoa quả tươi thay vì tăng chất đạm béo. Với trẻ em, cần tiêm phòng đầy đủ vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Nam bộ nắng nóng, nhiệt độ cao nhất 34-35 oC

Theo các chuyên gia khí tượng, trong khi ở miền Bắc đang trải qua những ngày mưa phùn, sương mù, nồm ẩm kéo dài thì từ ngày 4-2, Nam bộ bước vào chuỗi ngày nắng diện rộng, phổ biến ít mưa, nhiệt độ tăng dần. Nhiệt độ cao nhất phổ biến tại Nam bộ là 32-34oC, riêng TPHCM và miền Đông có nơi nắng nóng cục bộ với nhiệt độ hơn 35oC.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục