Việt Nam là quốc gia xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn thứ 10 thế giới, thứ 2 châu Á và số 1 khu vực Đông Nam Á. Điều đó đủ nói lên năng lực của nhà sản xuất. Năm nay kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ dự kiến khoảng 4 tỷ USD (năm 2010 là 3,4 tỷ USD). Trong lúc các doanh nghiệp (DN) “chinh chiến” khắp thế giới để tìm thị trường thì với hơn 87 triệu người trong nước, doanh số hàng năm về đồ gỗ khoảng 1 tỷ USD (có số liệu cho là 3 tỷ USD) lại bị sản phẩm của nước ngoài chiếm lĩnh đến 75% thị phần.
Nhiều doanh nghiệp đã thành công
Theo Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TPHCM (HAWA), để trở về sân nhà, trước hết DN phải khảo sát, nghiên cứu và đề ra chiến lược rõ ràng cả trước mắt và dài hạn. DN không thể quay trở lại sân nhà để chờ thời… khi thị trường xuất khẩu gặp khó bởi ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều năm trước, một số DN đã nhận ra thị trường tiềm năng ngay trong nước nên âm thầm, đơn lẻ tìm hướng đi riêng như các sản phẩm đồ gỗ của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối, cửa hàng bán sản phẩm tại khá nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Nhiều người trong ngành nhận định, HAGL đã thành công khi sớm trở lại sân nhà trong lúc hầu hết DN khác vẫn còn rong ruổi ở thị trường các nước. Nhưng để có được ngày hôm nay, HAGL cũng phải mất một thời gian trong cuộc trở về này. Tập đoàn Hòa Phát lại là một điển hình khác, với việc nghiên cứu, khảo sát kỹ thị trường, khai thác tốt lợi thế từ đó định vị cho riêng mình những dòng sản phẩm khó có DN nào chen chân vào.
Với Công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA, sau khi đưa được đồ nội thất cao cấp sản xuất trong nước góp mặt vào các công trình 5 sao nổi tiếng thế giới như khách sạn Sofitel Old Cataract, Grand Geneva Resort, cung điện hoàng gia Kuwait… công ty quay về thị trường trong nước, trở thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong việc thiết kế, thi công và sản xuất đồ gỗ nội thất chất lượng quốc tế cho nhiều dự án cao cấp của những tập đoàn lừng danh như Accor, Starwood, Intercontinental, Kempinski, Hilton…
Sau những công trình đã tạo được tiếng vang cả trong nước và quốc tế, theo kiến trúc sư Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA, thị trường bán lẻ nội địa trở thành chiến lược lâu dài của công ty với 5 thương hiệu bán lẻ lớn. Có được điều này là do công ty triển khai thành công đội ngũ thiết kế Việt, đem đến người tiêu dùng nội địa những dòng sản phẩm nội thất sáng tạo, phong cách độc đáo, công năng hiện đại, phù hợp với lối sống của người Á Đông.
Một điều mà nhiều người đã nhận ra, thời thế giờ đây cũng đã khác do mức sống người dân tăng cao, người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm ngoại nhập không rõ nguồn gốc, hàng hóa Trung Quốc ngày càng không còn rẻ với những khiếm khuyết về chất lượng, mẫu mã. Đặc biệt là những sản phẩm đồ gỗ giá rẻ của Trung Quốc với hàm lượng fomaldehyde vượt mức cho phép, tác nhân gây ung thư, rất độc đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Chợ ảo đồ gỗ nội thất
Điều khó khăn khi DN chế biến gỗ trở về sân nhà là khâu tiêu thụ sản phẩm. Các DN làm hàng xuất khẩu quen với những đơn hàng với số lượng lớn, thanh toán rõ ràng, trong khi tiêu thụ nội địa thì ngược lại nên DN chưa yên tâm sản xuất. Nhưng theo nhiều DN, vấn đề tài chính cũng là khâu quan trọng, khi xuất khẩu phải mở L/C (tín dụng thư) với sự bảo lãnh của ngân hàng. Nhưng tiêu thụ nội địa thì thu bằng cách nào khi đưa sản phẩm cho nhà phân phối là điều không đơn giản. Thị trường đồ gỗ nội thất tại TPHCM dù đã hình thành những khu bán khá lâu năm như đường Ngô Gia Tự (quận 10), Cộng Hòa (Tân Bình)… nhưng quy mô bán chỉ là những cửa hàng nhỏ lẻ. Các chủ cửa hàng nội thất chỉ có một số mối hàng dựa trên quen biết, nên gặp khó trong việc tìm kiếm nhà sản xuất phù hợp. Do vậy phải thường xuyên đặt hàng từ nước ngoài, đặc biệt là sự tiếp cận tích cực của các nhà buôn từ Trung Quốc để cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng này.
Đây chính là sự đứt đoạn trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Vì vậy, theo HAWA, việc liên kết với nhà phân phối là các chủ cửa hàng đồ gỗ nội thất và nhà sản xuất là biện pháp tối ưu cho nhà sản xuất nhằm từng bước tăng dần thị phần tiêu dùng nội địa. Mối liên kết này được hình thành hai bên đều có lợi, là điều kiện cả hai hợp tác lâu dài, hình thành chuỗi phân phối hiệu quả, cùng chiếm lại thị trường sân nhà nhiều tiềm năng. Với doanh số tiêu thụ nội địa hiện nay đạt khoảng 1 tỷ USD/năm, nhưng trong đó có đến 750 triệu USD từ hàng ngoại nhập. Lẽ ra DN trong nước thừa khả năng để đáp ứng cho tiêu thụ nội địa.
Thời gian tới, HAWA sẽ hình thành chợ ảo đồ gỗ nội thất. Với hơn 2.000 cửa hàng, showroom phân phối, bán lẻ thuộc khu vực TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước, các siêu thị, trung tâm trưng bày phân phối đồ gỗ và trang trí nội thất lớn, các đơn vị tư vấn xây dựng và kiến trúc, các kiến trúc sư sẽ là đối tượng để HAWA cung cấp cho họ danh sách các dòng sản phẩm của DN sản xuất, số điện thoại, website… để có thể trực tiếp liên hệ hoặc vào website tìm kiếm. Cái khó ban đầu là phải đảm bảo nguồn phân phối ổn định và có nghiên cứu thị trường để xác định hướng đi. Sau đó, sẽ từng bước hình thành chợ đồ gỗ thật theo mô hình giống như thành phố đồ gỗ Phật Sơn của Trung Quốc.
Hội chợ đồ gỗ - trang trí nội thất Việt Nam - VIFA Home 2011 lần thứ 2 vừa qua ở TPHCM do HAWA tổ chức là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả để kết nối nhà sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng cùng gặp nhau, tìm hiểu thêm nhu cầu cũng như tiềm năng lẫn nhau. Ngoài việc mua bán trực tiếp tại hội chợ, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội kết nối với các đối tác mới trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, đầu tư xây dựng, nhà thầu, nhà thiết kế…
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HAWA, VIFA Home 2011 là cơ hội để các DN thể hiện năng lực, đẳng cấp của mình với thị trường đồ gỗ và trang trí nội ngoại thất trong nước khi mà xu hướng sử dụng đồ gỗ, mẫu hàng trang trí nội ngoại thất ngày càng tăng cao của người dân.
CÔNG PHIÊN