Giá trần vé máy bay

Doanh nghiệp “kêu” bỏ, quản lý bảo... không!

Bay TPHCM - Hà Nội 3 triệu hay 2 triệu ?
Doanh nghiệp “kêu” bỏ, quản lý bảo... không!

Tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) nói rằng, đã đến lúc nên bỏ giá trần vé máy bay. Thời mở cửa bầu trời mà tăng giá vé phải xin, giảm giá cũng phải… xin!

  • Bay TPHCM - Hà Nội 3 triệu hay 2 triệu ?

Giám đốc một công ty du lịch so sánh, bay từ TPHCM đi Hà Nội mất 1g45phút, giá vé khứ hồi 3 triệu đồng/khách, mức thấp nhất cũng 1,9 triệu đồng/khách. Trong khi chặng bay Hà Nội-Thái Lan cũng tương đương nhưng giá vé khứ hồi Thai Air Asia công bố mức thấp nhất chỉ có 69 USD/khách (luôn thuế, phí)!

Doanh nghiệp “kêu” bỏ, quản lý bảo... không! ảnh 1

Bao giờ hành khách bay TPHCM - Hà Nội với giá vé rẻ hơn?

Tại sao giá vé máy bay nội địa không thể thấp hơn nữa? Cả Thai Air Aisia hay Tiger Airways đều có đến 9 mức giá khác nhau để linh hoạt “hấp dẫn” khách. Độ chênh lệch giữa mức giá cao và thấp nhất đến 9 lần. Trong khi cả 3 hãng hàng không bay nội địa của VN như VNA, Pacific Airlines (PA), Vasco chỉ có từ 1 đến 4 mức giá.

Mức thấp nhất chênh lệch mức giá cao nhất có 1,8 lần! Vấn đề nằm ở chỗ đường bay TPHCM- Hà Nội vẫn thuộc diện “bị” Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài Chính quản lý giá trần. Doanh nghiệp (DN) rất bị động vì muốn tăng giá hay giảm giá đều phải… xin!

VNA khẳng định, nếu bỏ giá trần, DN sẽ linh hoạt hơn trong cạnh tranh; có thể áp dụng giá theo mùa (cao điểm hay thấp điểm), theo giờ bay (ngày hay đêm), giá cho từng nhóm đối tượng…

  • Cơ quan quản lý nói gì?

Trả lời báo chí, Ban Vận tải hàng không (Cục Hàng không VN) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đều khẳng định rằng: “Chưa thể bỏ giá trần vé máy bay đường bay TPHCM- Hà Nội vì loại dịch vụ này vẫn còn độc quyền”. Giá trần hiện nay dựa trên giá thành của Tổng Công ty Hàng không VN cộng thêm tỷ lệ bù đắp chi phí giá thành (khoảng 5%).

Đây là phương thức kiểm soát giá hợp lý vì đường bay này là đường bay thiết yếu trên mạng nội địa, có ảnh hưởng quan trọng đến kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là trong điều kiện VNA chiếm đến 77% khách trên tuyến TPHCM-Hà Nội.

Trưởng ban Vận tải hàng không (Cục HKVN), ông Lại Xuân Thanh nhấn mạnh: “Dịch vụ vận chuyển có đặc thù không xếp được vào kho, cho nên có hay không có giá trần, các hãng HK vẫn có thể áp dụng giá cực rẻ để lấp đầy chuyến bay.

Theo chủ quan của chúng tôi, trong điều kiện hiện nay, nếu bỏ giá trần trên đường bay TPHCM-Hà Nội, có thể sẽ có một số giá hấp dẫn hơn, nhưng khó mua hơn và chắc chắn mặt bằng giá và số lượng khách hàng chịu giá cao sẽ tăng lên đáng kể”.

Cũng theo ông Thanh, chỉ khi nào thị trường hàng không nội địa cạnh tranh bình đẳng thì phương thức quản lý giá trần sẽ được loại bỏ.

Vấn đề là dường như cơ quan quản lý giá chưa “theo kịp” diễn biến thị trường. Chín tháng qua, thị trường HK nội địa đã khởi động cuộc cạnh tranh khá quyết liệt, nhờ vậy, giá vé máy bay TPHCM-Hà Nội đã giảm từ 10%-12%, một hiện tượng chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường nội địa.

Cũng đường bay này, bay với VNA giá 3 triệu đồng, nhưng bay với PA chỉ còn 2,7 triệu đồng. VNA lập tức giảm giá, nếu khách mua trước 1 tuần, giá vé khứ hồi chỉ còn 2,7 triệu đồng/khách. Vậy là PA cũng giảm theo, giá mua trước 1 tuần của PA hạ còn 2,2 triệu đồng/khách.

Đến đây xin đặt câu hỏi, nếu còn độc quyền làm sao có cạnh tranh và làm sao người tiêu dùng được hưởng giá vé giảm như hiện nay? Một thông tin quan trọng khác, 30% cổ phần của PA hiện do Tập đoàn đầu tư Singapore- Temasek Holding sở hữu, phần vốn của VNA còn lại do Bộ Tài chính quản lý.

Xin kết thúc bài viết này bằng bức xúc của Giám đốc điều hành PA: “Các hãng HK lớn có thị phần áp đảo thì nhu cầu đa dạng hoá sản phẩm không bức xúc như những hãng HK nhỏ. Vì vậy, việc duy trì giá trần bất lợi nhiều hơn cho những hãng nhỏ như PA.

Cũng không cần thiết phải lo ngại khi bỏ giá trần, các hãng HK sẽ tăng giá vé bừa bãi, vì sự cạnh tranh dù ở mức rất thấp cũng làm cho các DN hết sức cân nhắc khi quyết định khung giá, nếu không muốn mất lượng lớn khách hàng vào tay đối thủ”. 

Tại sao phải bỏ giá trần?

Dưới đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng và ông Lương Hoài Nam - Giám đốc Điều hành Pacific Airlines. Xin giới thiệu một góc nhìn mới từ chính doanh nghiệp kinh doanh về vấn đề vì sao nên bỏ giá trần.

- PV: Ông nghĩ sao về ý kiến không bỏ giá trần, hãng hàng không (HK) vẫn có thể “tung” ra những giá vé khuyến mại “rẻ bất ngờ”?

- Ông Lương Hoài Nam: Nếu làm hình thức, như một chiêu khuyến mại rẻ tiền thì được. Mỗi chuyến bay chỉ dành dăm bảy ghế và áp dụng các điều kiện rất ngặt nghèo kể cả khi đặt chỗ, mua vé và khi sử dụng.

Nhưng để cho việc đa dạng hóa giá vé máy bay có thực chất, để thật nhiều người có thể được đi máy bay với giá vé phải chăng thì không được. Hãng HK đánh giá hiệu quả các chuyến bay dựa trên giá vé trung bình của tất cả hành khách đi trên chuyến bay đó. Một khi trần trên thấp thì trần dưới phải cao, đó là một phép tính đơn giản đối với người kinh doanh.

- Theo ông, mức độ chênh lệch giữa giá thấp nhất và giá cao nhất như thế nào là hợp lý?

- Như thế nào là hợp lý thì tôi không dám nói, để các chuyên gia quyết. Tôi chỉ xin đưa ra một số ví dụ cụ thể: hiện tại, giá vé khứ hồi hạng phổ thông giữa Paris và Bordeaux không có điều kiện hạn chế (vé 1 năm) là 255 euro, giá mua trước 7 ngày: 121 euro, trước 10 ngày: 92 euro, trước 14 ngày: 71 euro, trước 21 ngày: 61 euro, trước 30 ngày: chỉ còn 43 euro. Giữa Paris và Toulouse từ 380 euro giá vé 1 năm xuống 38 euro; giữa Paris và Marseille từ 376 euro xuống 36 euro; giữa Paris và Nice từ 416 euro xuống 38 euro.

Thực tiễn tại các nước khác cũng tương tự như vậy, khoảng cách giữa giá vé cao nhất và thấp nhất vào khoảng 8-10 lần. Còn ở nước ta là 1,5 lần.

- Nhưng hai người hành khách ngồi cạnh nhau trên một chuyến bay mà lại trả hai giá vé khác nhau, liệu có mất công bằng không?

- Như thế mới công bằng chứ. Anh trả giá vé cao là vì anh muốn mua bất kỳ lúc nào cũng được, kể cả ngay trước giờ bay; anh có thể bỏ chuyến bay mà không cần thông báo, bay bất kỳ lúc nào trong cả một năm. Còn tôi trả giá vé rẻ vì tôi phải mua vé trước cả tuần, thậm chí trước cả tháng, không được thay đổi chuyến bay... Có nhiều cái khác lắm. “Tiền nào của ấy” - như thế là công bằng.

- Tại sao chính sách giá trần hiện nay không khuyến khích tăng cung ứng vào một số giai đoạn cao điểm, chẳng hạn như dịp Tết, thưa ông?

- Mỗi chuyến bay đều khai thác hai chiều: đi và về. Thường thì lượng khách cân bằng hai chiều, tính toán tốt thì có thể đạt được tỷ lệ phần trăm sử dụng ghế khoảng 70%-80%, thậm chí 90%. Nhưng trước Tết thì giữa Hà Nội và TPHCM thì chiều ra rất đông, chiều vào rất vắng, sau Tết ngược lại - chiều vào rất đông, chiều ra lại vắng.

Một chuyến bay mà một chiều đạt 100%, nhưng chiều kia bay trống (bay chuyển sân) thì hệ số ghế trung bình mới đạt 50%, kém hơn cả mùa thấp điểm. Nếu được phép tăng giá trên chiều có nhu cầu cao thì hãng HK có thể “đại hạ giá” trên chiều có nhu cầu thấp mà vẫn đạt hiệu quả. Nếu trước Tết giá vé từ TPHCM ra Hà Nội 2,5 triệu đồng, nhưng từ Hà Nội vào TPHCM giá vé chỉ có 0,5 triệu đồng (khứ hồi vẫn 3 triệu đồng) thì một số gia đình sẽ tính: “Vợ chồng, con cái mình ra Bắc ăn Tết với các cụ hay là mời các cụ vào Nam ăn Tết, đi du lịch với con cháu nhỉ?”.

Tình hình sẽ khác đấy. Trong những năm gần đây, ở Trung Quốc nhiều gia đình chọn dịp Tết để đi du lịch. Đó là một xu hướng rất lành mạnh trong một xã hội hiện đại, trong đó giá vé máy bay, giá tour du lịch có tác động không nhỏ đến việc hình thành thói quen mới.

- Xin cảm ơn ông. 

SONG ĐĂNG

Thu Thủy – Hàm Yên

Tin cùng chuyên mục