
Bộ Tài chính vừa tiếp tục có văn bản kiến nghị Chính phủ về việc bỏ chế độ “mật” đối với các số liệu thống kê dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Trả lời phỏng vấn nhanh của phóng viên SGGP, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm nhấn mạnh: “Điều này nhằm tăng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, tạo niềm tin hơn cho các nhà đầu tư”...
- Phóng viên: Đề nghị Thứ trưởng nói rõ hơn về kiến nghị này?

Moody's đã nâng hệ số tín nhiệm đối với các khoản tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ từ mức B3 lên mức B1.
- Thứ trưởng LÊ THỊ BĂNG TÂM: Việc chúng ta chưa công bố công khai thông tin về dự trữ ngoại hối đã cản trở tính minh bạch và tính công khai hóa của các số liệu tài chính.
Chính vì những điều này mà các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế đánh giá mức độ tín nhiệm của Việt Nam còn khá thấp và gây trở ngại trong việc tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thông tin về dự trữ ngoại hối là một trong những chỉ số quan trọng để các tổ chức quốc tế đánh giá hệ số tín nhiệm của một quốc gia. Vì vậy, theo quan điểm của Bộ Tài chính, nếu chúng ta tiếp tục duy trì chế độ “mật”, sẽ không có lợi cho hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới.
- Nhưng tại sao Bộ Tài chính chọn thời điểm này để kiến nghị với Chính phủ?
- Thực ra, vấn đề này đã được chúng tôi kiến nghị một số lần trước rồi với Chính phủ chứ không phải đợi đến bây giờ. Hơn nữa, hiện nay chúng ta đang cung cấp số liệu này cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) theo định kỳ thỏa thuận giữa hai bên, nên về thực chất không cần phải tiếp tục duy trì chế độ “mật”.
Để có những đánh giá về hệ số tín nhiệm quốc gia, hàng năm Bộ Tài chính vẫn làm việc với 3 công ty đánh giá tín nhiệm lớn nhất trên thị trường tài chính quốc tế là: Moody’s, Standard & Poor’s, Fitch. + Theo công bố mới đây của Moody’s, hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đối với nợ bằng đồng ngoại tệ vừa lên một bậc, do những tiến bộ về cán cân thương mại quốc tế do tác động của việc thực hiện Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và khả năng gia nhập WTO. |
- Trong kiến nghị của mình, Bộ Tài chính có đề nghị cụ thể nên bắt đầu từ thời điểm nào để công bố công khai thông tin này không?
- Chúng tôi chỉ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Tổng cục Thống kê xem lại sự cần thiết hay không duy trì chế độ “mật” này. Việc duy trì chế độ “mật” trong thống kê về dự trữ ngoại hối của nước ta hiện nay do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, bởi đây là cơ quan quản lý dự trữ ngoại tệ của nước ta.
- Thứ trưởng có thật sự tin tưởng rằng, với việc công bố công khai thông tin này, nếu được Chính phủ chấp thuận, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tin cậy chúng ta hơn?
- Tôi tin là như vậy! Sự thật bao giờ cũng có sức thuyết phục mạnh nhất. Chắc chắn qua sự việc như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thấy Việt Nam minh bạch hơn, cởi mở hơn, tin cậy hơn. Và hơn nữa, họ càng thấy chúng ta bản lĩnh hơn trong khi đi vào làm ăn với thế giới.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
ĐỖ NGỌC QUANG thực hiện