Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm

Tồn kho giảm - không hẳn đã mừng
Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 ngày 30-9, Bộ Công thương cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 9 tuy có tăng trưởng khá hơn các tháng trước nhưng một số doanh nghiệp công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và phát triển sản xuất.

Ngành giày dép còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và nhập khẩu nguyên phụ liệu do có sự tranh mua nguyên liệu từ các quốc gia khác. Ảnh: CAO THĂNG

Ngành giày dép còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và nhập khẩu nguyên phụ liệu do có sự tranh mua nguyên liệu từ các quốc gia khác. Ảnh: CAO THĂNG

Tồn kho giảm - không hẳn đã mừng

So với tháng 9-2012, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 5,6%; tính chung 9 tháng, chỉ số này tăng 5,4% (9 tháng năm 2012 tăng 4,8% so với 9 tháng năm 2011). Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Công thương, dù mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng cao hơn so với cùng kỳ nhưng so với cùng kỳ những năm trước đó thì vẫn còn ở mức thấp. Điều này cho thấy, sản xuất của ngành vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do trong bối cảnh kinh tế suy giảm, sức mua trên thị trường trong và ngoài nước đều ở mức thấp, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, thông qua mức tăng trưởng hàng tháng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng trưởng của ngành điện, có thể thấy, sản xuất có dấu hiệu của sự phục hồi.

Về tồn kho, theo Bộ Công thương, tính từ thời điểm tồn kho ngày 1-1 đến 1-9, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm được 12,2 điểm phần trăm và nếu so với cùng kỳ 1-9-2012, chỉ số này chỉ tăng 9,3% (cùng kỳ tăng 20,4%. Đây là mức tăng chỉ số tồn kho thấp, thấp hơn một nửa so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho thấp lại không hoàn toàn đáng mừng. Bởi, theo tính toán của Bộ Công thương trên cơ sở nghiên cứu biến động của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho từ đầu năm 2012 đến nay, cho thấy, chỉ số tồn kho liên tục giảm nhanh, chỉ số tiêu thụ đang trong xu hướng tăng dần, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng chậm đã cho thấy những ngành có chỉ số tồn kho giảm trong thực tế chưa hẳn do tiêu thụ tốt (được phản ánh thông qua chỉ số tiêu thụ) mà do nhiều doanh nghiệp đã tiết giảm sản xuất. Chính vì vậy, bộ này cũng khẳng định, khó khăn lớn trong sản xuất công nghiệp hiện nay vẫn là tiêu thụ sản phẩm, vì thế các doanh nghiệp không đầu tư phát triển sản xuất. Một số ngành như dệt may, giày dép lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và nhập khẩu nguyên phụ liệu do có sự tranh mua nguyên liệu từ các quốc gia khác, các nhà cung cấp lợi dụng việc khan hiếm nguồn nguyên phụ liệu để cố tình trì hoãn việc giao hàng đẩy giá tăng lên từ 10% - 15% đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện những đơn hàng xuất khẩu.

Trao quyền chủ động nhưng vẫn giám sát giá xăng dầu

Trước câu hỏi về việc giá xăng dầu thế giới gần đây giảm nhưng giá bán lẻ trong nước không giảm, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), thừa nhận ngày cuối tháng 9 thì giá xăng dầu đã thấp hơn đầu tháng 9 nhưng các thời điểm trong tháng là có tăng, có giảm chứ không phải giảm liên tục. Bên cạnh đó, việc tăng, giảm giá xăng dầu phải tuân thủ theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu và các cơ quan quản lý vẫn theo dõi sát giá mặt hàng này, nếu đủ điều kiện giảm giá sẽ giảm ngay.

Liên quan đến sửa đổi Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, theo ông Nguyễn Xuân Chiến, sau khi có thẩm định của Bộ Tư pháp, dự thảo này đã được trình lên Chính phủ vào ngày 18-9 vừa qua. Nghị định này có 5 chương 40 điều. So với dự thảo trước và thực tế vận hành hiện nay đã có những điểm mới nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, bất cập như: thay đổi công thức tính giá cơ sở; biên độ tăng, giảm giá xăng dầu từ 7% xuống 5%... Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Chiến cũng khẳng định, việc giao cho doanh nghiệp được quyền tăng, giảm trong phạm vi 5% không nên hiểu là doanh nghiệp muốn làm gì thì làm mà vẫn có sự giám sát của các cơ quan quản lý có liên quan. Dự thảo còn đưa ra các quy định mới liên quan đến quản lý xăng dầu theo hệ thống tránh việc không đảm bảo chất lượng xăng dầu khi bán ra thị trường; nâng cao tính công khai, minh bạch...

Xung quanh chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc loại bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, bộ này đang khẩn trương tiến hành và sớm báo cáo lên Phó Thủ tướng. Còn việc rà soát các dự án thủy điện, ông Lê Dương Quang cũng cho biết đã xong và đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, khi được thông qua Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ được ủy quyền để báo cáo trước Quốc hội. Quá trình rà soát các dự án thủy điện sẽ tiếp tục được thực hiện theo 5 tiêu chí: an toàn hồ đập; diện tích chiếm rừng thấp nhất; hạn chế tối đa di dân; không ảnh hưởng xấu đến môi trường; hiệu quả kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 96,58 tỷ USD (tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012), trong đó, nhập khẩu từ châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất: 80,6%. Riêng nhập từ Trung Quốc chiếm hơn 27,5% trong tổng kim ngạch (bình thường là 24%). Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu (chiếm trên 80%) như: xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, nguyên phụ liệu dệt may, máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, linh kiện điện tử...

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục