Chương trình có sự tham gia của các diễn giả: nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy, đồng tác giả cuốn sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn; nhà văn Văn Thành Lê, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM; anh Lê Văn Phúc, Tổng chủ nhiệm nhóm từ thiện Fly to Sky, Founder của Tủ sách Bồ câu Trắng; các khách mời giao lưu; đại diện của các nhà xuất bản, công ty sách cùng nhiều độc giả.
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, việc trao nhau những bao lì xì đỏ kèm câu chúc may mắn đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ngày tết của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, phong tục ấy lại trở nên mới mẻ, thiết thực hơn khi người người rủ nhau mừng tuổi bằng sách hay những hạt giống trồng cây. Do đó, dự án cộng đồng “Mừng tuổi sách” được khởi xướng, thúc đẩy với mong muốn viết tiếp sứ mệnh văn hóa đọc với phong trào mừng tuổi hay lì xì bằng sách cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp mỗi dịp lễ, tết… Hơn hết chính là niềm hy vọng sách sẽ đi vào cuộc sống của mỗi người Việt một cách tự nhiên, như một thói quen và một nét văn hóa thường nhật.
Tại sự kiện, dưới góc nhìn cá nhân, các diễn giả và khách mời đã chia sẻ chân thành xoay quanh các nội dung , như: mừng tuổi bằng sách thế nào là hợp lý, câu chuyện lan tỏa văn hóa đọc từ cá nhân đến cộng đồng và làm sao phát triển văn hóa đọc của người Việt bằng những hoạt động cộng đồng thiết thực và ý nghĩa.
Nhà giáo ưu tú, GS-TS Đào Văn Lượng bày tỏ, hiền tài có được có thể nói là do hệ thống giáo dục của đất nước, do hệ sinh thái văn hóa của quốc gia đó và đặc biệt chính là vai trò quan trọng của sách.
“Sách là kết tụ tinh hoa của nhân loại. Ở đó, con người không chỉ học được khoa học công nghệ, đời sống, văn hóa, lịch sử mà còn là những kinh nghiệm giữ gìn và bảo vệ đất nước. Do đó, sách đóng vai trò rất quan trọng. Như vậy, dự án “Mừng tuổi sách” là một sáng kiến lớn”, GS-TS Đào Văn Lượng khẳng định.
Tại chương trình, nói về văn hóa đọc của người Việt, từ quan sát và trải nghiệm cá nhân, nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy chia sẻ, trong vài ba năm gần đây, chị nhận thấy các đơn vị phát hành, các nhà xuất bản và các tác giả đã có sự chuyển động mạnh mẽ trong công tác khuyến đọc. Đồng thời, chị bày tỏ sự quan tâm của mình đến việc tạo ra nhiều không gian riêng tư và tĩnh lặng dành cho các bạn trẻ đọc sách.
“Chúng ta sẽ gieo mầm thói quen đọc sách thông qua nhiều hoạt động cộng đồng và chú ý tạo cho người trẻ không gian để chiêm nghiệm, suy tư khi đọc sách”, nhà văn Đông Vy nói thêm.
Nhà văn Văn Thành Lê thì thẳng thắn chia sẻ, thói quen đọc sách của người Việt hiện đã được cải thiện rất nhiều. Câu chuyện cần được bàn luận nhiều hơn chính là cách thức để khuyến khích văn hóa đọc thông qua các hoạt động cộng đồng như tủ sách vùng sâu vùng xa, thư viện sách di động… và các bạn trẻ, phụ huynh có thể tiếp cận sâu sắc hơn với nó.
Nhà văn Đông Vy chia sẻ: “Mong rằng con cháu, thế hệ trẻ nói chung, khi đọc một cuốn sách đều có suy nghĩ riêng của mình và đi kiểm chứng, tìm kiếm cho câu trả lời đó. Hành trình đọc sách rất rộng mở, nó là một phần của cuộc sống và không bao giờ chúng ta thấy nhàm chán, hay rời bỏ hành trình đó. Và mừng tuổi bằng sách là cách để chúng ta dẫn dắt một đứa trẻ bước đi trên con đường đó”, nhà văn Đông Vy bộc bạch.