(Nhân đọc loạt bài “Bò... khóc” trên Báo SGGP ngày 24 và 25-8-2006)
Những thống kê, nhận định từ Hội nghị đánh giá tình hình phát triển bò sữa đưa ra gần đây tại Long An, cho thấy một viễn cảnh hết sức nguy hiểm cho những người chăn nuôi bò sữa ở VN. Theo ông Nguyễn Đăng Vang - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) : “Giá sữa tươi hiện nay các nhà máy thu mua trung bình chỉ 3.487 đồng/kg. Với mức giá này, thì lợi nhuận của người chăn nuôi chỉ còn 64 đồng/kg, tức khoảng 251.000 đồng/con bò/năm. Nếu tính đúng tính đủ thì phải đến 60 năm sau người chăn nuôi mới lấy lại vốn đầu tư con giống”. Ông Vang còn nhận định: “Nếu không có giải pháp, cứ theo đà này thì không quá 2 năm nữa, ngành chăn nuôi bò sữa sẽ phá sản, các nhà máy không còn sữa tươi để mua”.
Vì đâu một chương trình kinh tế được coi là “đột phá”, hứa hẹn đem lại nhiều thành quả, có thể “đổi đời” người chăn nuôi, nhưng đến nay lại rơi vào tình cảnh lâm nguy, thiệt hại mang đến cho người dân nghiêm trọng đến như vậy? Chúng tôi có thể đưa ra một số nghịch lý, bất cập khiến cho chương trình bò sữa chúng ta chưa hiệu quả:
Thứ nhất, nhà nước triển khai chương trình chỉ mới chú trọng “đầu vào”. Tức chỉ nhập giống về, còn kỹ thuật chăn nuôi, lấy sữa, thu mua sữa gần như “thả nổi” cho người dân tự lo. Điều này thể hiện rõ nhất khi triển khai ở một số tỉnh khu vực phía Bắc.
Thứ hai, Việt Nam chưa có nhiều nhà máy sữa cạnh tranh nên dễ dẫn đến tình trạng độc quyền, ép giá người chăn nuôi. Thậm chí, thiếu sự chỉ đạo của nhà nước, các công ty sữa không triển khai việc thu mua trực tiếp từ dân. Không có cơ chế định mức, kiểm soát nên các nhà máy nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Hậu quả là người chăn nuôi không thể bán được sữa bò, hoặc bán nhưng với giá quá thấp.
Thứ ba, người chăn nuôi không có một cơ chế hoạt động có tính gắn kết, hiệu quả. Không được trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ cho một hoạt động kinh tế mang tính đặc thù, độ rủi ro cao. Đây là hạn chế mang tính phổ biến của người nông dân VN. Lẽ ra Nhà nước cũng cần có nhiều chính sách hỗ trợ, định hướng cho người dân.
Thứ tư, do người tiêu dùng hoàn toàn không biết trước việc các nhà máy đưa ra các sản phẩm cho là 100% sữa tươi nguyên chất, nhưng thực chất phần lớn là chất liệu từ sữa bột nhập khẩu. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng chưa thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát sản phẩm. Người tiêu dùng có thể bị lừa, chịu thiệt. Nhưng hậu quả lớn hơn chính là người nuôi bò sữa bị phá sản, nợ nần chồng chất.
Những nghịch lý trên là bài học cần rút kinh nghiệm cho các hoạt động kinh tế nông nghiệp-nông thôn nước ta trước khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
NGỌC LỮ