
Mẹ có một điều bí mật cứ mãi giấu trong lòng không bao giờ nói ra, đó là đôi bông cưới mà bố đã tặng mẹ nhân ngày thành hôn. Cũng chính vì điều bí mật này mà bố mẹ tôi ly thân mười mấy năm không chịu đoàn viên. Cả hai người luôn giữ quan điểm cứng nhắc của mình, không ai chịu nhượng bộ và làm hòa trước.

Tôi biết rất rõ, tuy bố mẹ ngoài mặt lạnh lùng như vậy, nhưng trong lòng thì vẫn luôn ấm áp, cả hai vẫn còn yêu thương nhau tha thiết. Bằng chứng là có nhiều người đàn ông ngỏ lời “góp gạo nấu cơm chung” nhưng mẹ đều từ chối, viện cớ rằng chán nản với hôn nhân. Còn bố tôi, thường hay lấy ảnh cưới ra ngắm nghía thật lâu, rồi kể cho tôi nghe những điều tốt đẹp về mẹ; hay những lúc trong cơn say bố thường nhắc tên mẹ.
Ngày đó, bố là một thầy giáo, vì muốn nâng cao kiến thức nên bố phải lên tỉnh học thêm một khóa. Nhà chỉ còn lại bà nội, mẹ và tôi, còn ông nội thì đã qua đời lúc tôi chưa lọt lòng. Bà nội đối với mẹ không tệ, có lẽ bà cũng từng trải qua cảnh làm dâu nên rất cảm thông.
Trải qua một năm ở tỉnh, bố về lại quê và xin dạy gần nhà cho tiện. Thấy trên đôi tai của mẹ không còn đôi bông cưới, bố hỏi thì mẹ bảo rằng sợ mất nên cất đi. Bố cho rằng như thế cũng tốt nên không hỏi gì thêm.
Rồi đến Tết cổ truyền, bố bảo mẹ sửa soạn quần áo để đến thăm thầy hiệu trưởng vào đầu xuân. Thấy mẹ không đeo bông cưới nên bố sinh nghi, gặng hỏi mãi mà mẹ không chịu nói rõ đang ở đâu. Bố chẳng nói chẳng rằng, bồng tôi lên xe rồi đạp một mạch chạy đến nhà thầy hiệu trưởng, bỏ mặc mẹ đứng trơ ra đó trong bộ áo dài xinh xắn. Năm đó, không khí gia đình tôi thật ảm đạm, chẳng có “mùa xuân” chút nào. Vì là năm mới nên bố không muốn làm ầm ĩ, sợ gia đình bất nhã.
Qua tết bố không kềm được sự giận dữ, tra hỏi mẹ bằng những câu cay nghiệt. Mẹ không nói, chỉ im lặng, bố thẳng tay đuổi mẹ về nhà ngoại. Lúc đó tôi quá hồn nhiên, khi bố dỗ ngọt bằng cây kẹo thơm là tôi ở lại với bố, không chịu theo mẹ. Nhìn thấy mẹ xách túi đồ ra đi mà còn nhoẻn nụ cười thật tươi, vẫy tay chào mẹ. Bà nội tôi vội chạy theo níu lại, năn nỉ cô con dâu nói ra sự thật. Mẹ tôi xin lỗi nội, vẫn giữ vững lập trường, xách giỏ ra đi.
Nội và bố rất thoáng, cho phép tôi về thăm ngoại mỗi khi rảnh. Nhưng vì việc học nên tôi ít về. Những lúc được về ngoại, tôi luôn gần mẹ để hỏi khéo về đôi bông cưới, nhưng mẹ vẫn cương quyết không nói, mắt buồn nhìn tận đâu đâu. Thấy thế tôi không dám hỏi tiếp.
Sắp đến ngày giỗ ông ngoại, tôi xin phép bố và nội cho mình được về ngoại. Bố không đi nhưng cũng mua chút quà chưng trên bàn thờ ông ngoại, đủ chứng tỏ bố không là người vô tâm. Tôi về đến nhà ngoại đúng lúc mẹ đi chợ chuẩn bị cho ngày giỗ, nhân cơ hội này tôi tâm sự cùng ngoại về chuyện đôi bông cưới. Lúc đầu ngoại không muốn nói vì sợ mẹ hay được lại buồn thêm (vì suốt bao năm qua không lúc nào mẹ vui vẻ), sau vì thương cháu ngoại và muốn giải oan cho mẹ nên ngoại buộc phải nói ra.
Ngoại kể, ngày xưa gia đình ngoại nghèo lắm, lúc đó, mẹ đang học sư phạm ở tỉnh, chung trường với bố. Thấy mẹ ham học, cậu Hai thương em quá nên chấp nhận hy sinh đi làm đầy tớ cho địa chủ trong xóm để giúp đỡ gia đình. Sau khi mẹ ra trường và lấy chồng, thấy anh trai mình bị hành hạ nên mẹ chịu không nổi, lén chồng lấy đôi bông tai ngày cưới để chuộc anh Hai về nhà. Ngoại kể mà nước mắt cứ chực trào ra, làm tôi không cầm lòng được cũng khóc theo. Hai bà cháu ôm nhau khóc ngon lành. Ngoại còn bảo thêm, vì không muốn bên chồng khinh miệt gia đình mình nên mẹ đành câm nín, tự nhận phần lỗi về bản thân mình.
Đem chuyện này về thưa với nội và bố, nghe xong cả hai thấy thương mẹ vô cùng. Ngay hôm sau, bố cùng tôi xách xe qua ngoại xin lỗi mẹ và ngoại, rồi xin phép được rước mẹ về. Lúc đầu mẹ còn do dự, nhưng thấy bố thành khẩn, cộng thêm sự ủng hộ của tôi và ngoại nên mẹ mỉm cười chấp nhận. Đó là lần đầu tiên tôi thấy mẹ cười và hạnh phúc như vậy. Bố lấy trong túi ra đôi bông tai đã chuẩn bị từ trước tặng cho mẹ để bù đắp cho sự lạnh nhạt của mình mười mấy năm qua. Và sự thật về đôi bông cưới đã có một hồi kết thật đẹp. Bố và tôi rước mẹ về lại mái ấm ngày xưa
VŨ HUYỀN ĐAM