Bán hàng không biên giới
Không chỉ nhiều quốc gia trên thế giới, hiện nay tại Việt Nam, tài nguyên bản địa như sản phẩm làng nghề, nông sản, đặc sản… địa phương đã và đang trở thành những mặt hàng có giá trị cao, thu hút người tiêu dùng trong xu thế tiêu dùng toàn cầu. Việc này giúp đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Khi thương mại điện tử phát triển bùng nổ tại Việt Nam, nó còn được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Thống kê năm 2017 cho thấy, tại Việt Nam đã có 53,86 triệu người sử dụng internet. Nhiều báo cáo nghiên cứu khảo sát thị trường dự báo con số này sẽ đạt gần 60 triệu người trong vòng 4 năm tới. Sự gia tăng của điện thoại di động thông minh đã đẩy nhanh sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam và khu vực. Với lợi thế về dân số trẻ và mạng lưới kết nối internet rộng khắp, Việt Nam đang nhanh chóng thích ứng với các xu hướng và công nghệ mới; còn các doanh nghiệp số hóa cũng quan tâm tới việc thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp địa phương cùng phát triển.
Ghi nhận thực tế trên thị trường, việc tiếp thị, tiếp cận các thương hiệu và kinh doanh nông đặc sản địa phương hiện không còn dừng lại ở những kênh truyền thống, mà đã diễn ra sự tương tác, giao dịch và trải nghiệm với khách hàng qua mạng internet, vượt qua rào cản biên giới. Và ngay tại Việt Nam, hoạt động bán hàng xuyên biên giới đã phát triển trong những năm gần đây.
Ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc kinh doanh Công ty Haravan, nhấn mạnh: “Với một thế giới mới, trong đó các cư dân số kết nối với nhau thông qua công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ và lan tỏa khắp toàn cầu, đã và đang đặt ra thách thức cũng như những đòi hỏi về đổi mới tư duy sáng tạo cho tiếp thị, bán hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường thương mại tự do, thương mại điện tử… cần chú trọng hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương trang bị tư duy và phương thức tiếp thị. Đồng thời, giúp họ tiếp cận các công cụ tiếp thị mới là việc hết sức cần thiết và cần làm ngay để nắm bắt cơ hội cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường”.
Khai thác tài nguyên bản địa
Liên quan đến kinh nghiệm phát triển thị trường, đổi mới sản phẩm và tài nguyên bản địa quốc gia, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia thị trường cho rằng, khi thương mại hóa sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu, kèm theo chỉ dẫn địa lý, cần tổ chức nhiều hoạt động tăng khả năng nhận diện chỉ dẫn địa lý (CDĐL) như một thương hiệu. Đồng thời, cần có những giải pháp quảng bá hiệu quả như dành vị trí đẹp trong các hệ thống bán lẻ nội địa để giới thiệu sản phẩm có CDĐL. Còn doanh nghiệp, không ngừng thúc đẩy tăng giá trị sản phẩm bằng việc tạo ra sản phẩm mới thông qua cải thiện mẫu mã, bao bì, nhãn mác, chứng nhận giải thưởng… Bước ra thị trường thế giới, cần ý thức nghiêm túc CDĐL, nhân cách hóa các thương hiệu sản phẩm có CDĐL thông qua truyền tải thông điệp giá trị văn hóa, bản sắc địa phương để tăng sự nhận diện. Bởi, thể hiện sự tôn trọng, thành tựu, tiềm năng, trải nghiệm và cái tôi duy nhất với quyền lực cao của người tiêu dùng được chấp nhận và ngưỡng mộ từ bạn bè cũng như xã hội trong cả thế giới thực và ảo (online) đang là xu hướng mới trên thị trường thương mại tự do.
Đặc biệt, người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm mà họ yêu thích, nếu sản phẩm đó có CDĐL, bên cạnh việc đảm bảo những yêu cầu về chất lượng, an toàn sử dụng… Với kinh nghiệm hơn 5 năm hỗ trợ phát triển CDĐL cho sản phẩm Việt Nam, bà Delphine Marrie Vivien, chuyên gia đến từ Pháp, cho hay thực tế hình thành và phát triển sản phẩm CDĐL đòi hỏi phải gắn liền với đặc thù địa phương, văn hóa vùng miền, giá trị truyền thống… Song song đó, khi xây dựng hệ thống khai thác và quản lý CDĐL cần thành lập tổ chức, hiệp hội sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm, quản lý các hộ gia đình, doanh nghiệp… về quy trình sản xuất, thu mua, chế biến… Sản phẩm có CDĐL sẽ mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất và lợi ích kinh tế quốc gia.
Đồng quan điểm vấn đề này, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, với tiêu chí hàng hóa phải đa dạng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phải chăng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… nhiều năm qua Saigon Co.op đã chủ động làm việc với nhiều nông hộ ở tỉnh Lâm Đồng. Sau đó, mở rộng sang các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp… để phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới. Theo đó, các hộ nông dân sẽ được hỗ trợ giải pháp sản xuất an toàn, có CDĐL khi lưu thông hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, Saigon Co.op tiếp tục khai thác từ các nhà cung cấp, hợp tác xã, hộ dân, tham gia liên kết đầu tư vào nông nghiệp, hình thành và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp nhằm đa dạng nguồn hàng cung ứng có CDĐL cho hệ thống, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện tỉnh này có 44 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận như làng nem Lai Vung, làng hoa Tân Quy Đông, làng bột Sa Đéc, làng chiếu Định Yên… Để giữ gìn và phát huy các giá trị sản phẩm làng nghề, người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng như chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã và đang nỗ lực đổi mới sáng tạo để tăng thêm giá trị cho các mặt hàng đặc sản. Với sự chủ động đó, các sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa, mang nét đặc trưng riêng của tỉnh Đồng Tháp đã từng bước tạo được dấu ấn trong lòng khách hàng, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.