Đổi thay ở xã anh hùng

Trong thời chiến, người dân xã Đắk Ui (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) một lòng theo Đảng, trực tiếp cầm súng đánh giặc. Thời bình, họ ra sức cải tạo những vùng đất khô cằn và bị ảnh hưởng của chiến tranh thành những vựa cà phê, bời lời và cao su xanh ngát. 
Đời sống người dân xã Đắk Ui đổi thay nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Đời sống người dân xã Đắk Ui đổi thay nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Trở lại xã anh hùng Đắk Ui vào dịp giáp Tết Kỷ Hợi này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi ở nơi đây. Con lộ đất dẫn từ đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã nay đã được trải nhựa. Đường dẫn vào thôn, thậm chí vào rẫy cũng đã bê tông hóa. Hai bên đường là những căn nhà khang trang, phía trước là sân phơi nông sản rộng bát ngát, thiết bị tưới, vận chuyển cà phê chất đầy sân nhà. Trên những quả đồi nay thành rẫy cà phê, cao su bát ngát. 

Trên con đường dẫn vào thôn 1B, xã Đắk Ui, từng tốp người chạy xe máy từ huyện về thôn, trên xe chất đầy thực phẩm, bánh kẹo, áo quần mới mua để chuẩn bị tết. Dẫn khách đi tham quan một vòng quanh thôn, anh A Khôi (trưởng thôn 1B) kể: “Thôn có 132 hộ với hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Tết năm nay là cái tết sung túc, đầy đủ nhất của bà con so với nhiều năm qua. Nhà cửa được sửa chữa khang trang hơn. Người khó thì cũng có ghè rượu, thịt gà, thịt heo dành sẵn trong nhà để tiếp khách. Diện khá hơn thì chung nhau 2 - 3 hộ mua bò làm thịt. Năm nay bà con vừa tham gia ngày hội “Bánh chưng xanh” nên ai cũng có bánh để cúng trong ngày tết. Ngoài ra, bà con còn chủ động gói bánh tét, nói chung món gì cũng có”.

Ông A Bốn, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Đắk Ui, phấn khởi thông tin:  “Năm nay bà con đón tết rôm rả, sung túc. Các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo đều được Nhà nước hỗ trợ. Trước ngày 28 tháng Chạp, 11 thôn trên địa bàn lần lượt tổ chức ăn tết tập thể. Họ chuẩn bị thịt heo, bánh chưng, rượu… mang lên nhà rông. Buổi sáng làm phần lễ, trong đó trưởng thôn báo cáo tình hình kinh tế, an ninh, chính trị và công tác triển khai trước cũng như sau tết. Cuối buổi thì đến phần hội. Lúc này bà con tập trung ăn uống và đánh cồng chiêng, múa xoang, thi giọng hát hay. Việc ăn tết tập thể, một phần giúp tăng tình đoàn kết giữa người dân trong thôn, cũng là dịp để họ chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, góp phần duy trì, phát huy giá trị văn hóa”.

Theo ông A Bốn, sở dĩ người dân ăn tết lớn là vì những năm qua kinh tế địa phương có bước phát triển tích cực. “Khoảng 5 năm trước, xã còn rất khó khăn nhưng nay đã phát triển mạnh. Ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, còn có việc dân chuyển đổi từ trồng cây mì, bắp sang cà phê, cao su, bời lời. Đây là những loại cây đem lại thu nhập cao và phù hợp với thổ nhưỡng trên địa bàn. Cùng với đó,  người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa nước nên năng suất rất cao. Nếu trước đó, 1 sào lúa chỉ thu hoạch khoảng 2 tạ thì nay đạt bình quân 4 - 5 tạ. Xã đang trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, hiện đã xây dựng được 11/19 chỉ tiêu. Một điều tự hào nữa là trong xã có truyền thống hiếu học. Những năm qua, tỷ lệ con em thi đậu vào các trường đại học rất nhiều...”, ông A Bốn phấn khởi tâm sự.

Tin cùng chuyên mục