Nhiều cán bộ, nhân viên Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM đang rất bức xúc về việc có một số người trong Chi cục bị người dân tố cáo nhận tiền để làm thủ tục, hồ sơ bảo lãnh học viên cai nghiện ma túy hoặc mại dâm tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, “nghi án ngàn đô” là vụ việc điển hình nhất…
“Nghi án ngàn đô”
Tháng 5-2007, khi biết tin em gái của mình bị đưa vào Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Phụ nữ ở quận Thủ Đức TPHCM vì vi phạm lần đầu về hành vi mại dâm, anh Kiều Đức Nguyện từ tỉnh Bến Tre tức tốc lên thăm.
Trên chuyến taxi đến trung tâm, anh Nguyện được tài xế cho biết muốn đưa em mình ra sớm, cần phải gặp một người là nhân viên của trung tâm này để lo giúp thủ tục bảo lãnh hành chính. Vì không hiểu quy trình bảo lãnh, anh Nguyện đồng ý và được giới thiệu gặp Huỳnh Văn Thanh, nhân viên bảo vệ của trung tâm.
Đến giữa tháng 6-2007, Thanh “ra giá” với anh Nguyện trọn gói cho một suất bảo lãnh ra khỏi trung tâm là 1.000 USD và phải đưa trước 500.000 đồng để “xúc tiến” thủ tục. Về lại Bến Tre, anh Nguyện tiếp tục chuyển ngay thêm 5 triệu đồng theo yêu cầu của Thanh qua đường bưu điện về nhà của Thanh ở số 114 đường 1 phường 10 quận Tân Bình TPHCM.
Nhận được tiền, Thanh hứa khoảng đầu tháng 8-2007 sẽ có quyết định cho em anh Nguyện về. Đúng “lời hứa”, ngày 16-8-2007, Thanh gọi điện báo đã có kết quả, yêu cầu anh Nguyện đưa nốt số tiền 11 triệu đồng còn lại để dẫn anh đến Chi cục PCTNXH nhận quyết định và làm thủ tục bàn giao.
Mọi chuyện có lẽ đã diễn ra theo đúng “kịch bản” mà Thanh “vạch” ra nếu không có cuộc điện thoại của gia đình anh Nguyện từ Vĩnh Phúc báo vào. Trên đường đến gặp Thanh để giao tiền, anh Nguyện nhận được điện thoại của bố anh báo cho biết em gái anh đã có quyết định giao nhận mà không cần phải đóng bất cứ khoản tiền nào. Ông cũng bảo anh nên liên hệ gấp với cán bộ tại Chi cục PCTNXH để được hướng dẫn cụ thể.
Sau khi nghe anh Nguyện trình bày mọi việc, ông Nguyễn Văn Ngoan, Phó Trưởng phòng phối hợp đấu tranh của Chi cục PCTNXH, một mặt hướng dẫn anh Nguyện nhanh chóng hoàn thành thủ tục bảo lãnh cho em gái, mặt khác yêu cầu anh Nguyện không được đưa tiền cho Thanh nữa và khai báo vụ việc với cơ quan chức năng. Về phía Thanh, đến đúng hẹn mà không thấy anh Nguyện đến đưa tiền, Thanh liên tục gọi điện thúc giục. Do có sự tư vấn của ông Ngoan, anh Nguyện viện lý do chưa lo đủ tiền để hoãn lại.
Có hay không sự tiếp tay của cán bộ?
Ngay sau khi được mời lên Chi cục PCTNXH làm việc, Huỳnh Văn Thanh đã tự khai rất cụ thể “quy trình” của việc nhận tiền bảo lãnh. Là nhân viên viên bảo vệ, biết được quy trình bảo lãnh không phải tốn tiền nhưng do thường xuyên tiếp xúc với thân nhân học viên, nắm được tâm lý nôn nóng của gia đình và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người trong số họ, Thanh toan tính chuyện “kiếm tiền bồi dưỡng” từ các phi vụ này với giá khoảng 1.000 USD/vụ.
Tuy nhiên, một mình Thanh sẽ không thể làm gì được nếu không thông qua người từ Chi cục PCTNXH. Người đó, theo lời khai của Thanh là Trương Minh Phúc, cán bộ Phòng quản lý cai nghiện phục hồi thuộc Chi cục PCTNXH, nơi quản lý tất cả hồ sơ cá nhân ra-vào các trường, trại, đồng thời là nơi hoàn thành hồ sơ trình Hội đồng tư vấn TP xét duyện bảo lãnh hành chính.
Thanh khai rất rõ: “Ngày 20-6-2007, tôi lên Chi cục nộp đơn (của anh Nguyện), có gặp anh Phúc, là người quen làm chung cơ quan trước kia (trước đây ông Phúc làm việc tại Trung tâm GDDNPN) và có nhờ Phúc giúp đỡ. Tôi có nói với anh Phúc về tổng số tiền (1.000 USD), anh Phúc nói để anh lo và khi nào xong, phần của tôi được 20% (trên tổng số tiền ấy). Ngày 16-8-2007, anh Phúc báo tôi biết em của anh Nguyện đã có quyết định cho về. Trong tổng số 5 triệu đồng đã nhận, tôi giữ lại 1,5 triệu đồng, còn 3,5 triệu đồng tôi đã đưa cho anh Phúc”.
Ngay sau khi có được lời khai của Thanh, lãnh đạo Chi cục PCTNXH đã có buổi làm việc với ông Trương Minh Phúc. Tuy nhiên, ông Phúc không thừa nhận sự liên quan của mình như lời khai của Thanh. Cụ thể, ông không thừa nhận đã gặp Thanh vào ngày 20-6, không hề tiếp nhận đơn tại chi cục hay bất cứ địa điểm nào khác; không báo cho Thanh về bất cứ quyết định nào và cũng không biết anh Nguyện là ai. Ông Phúc cũng khẳng định ông không hề nhận số tiền 3,5 triệu đồng như Thanh đã trình bày mà chỉ thừa nhận 1 điều duy nhất là trong thời gian công tác tại Trung tâm GDDNPN (giai đoạn 2002-2006), ông có biết Thanh vì mối quan hệ đồng nghiệp cùng một đơn vị!
Trước những lời khai không thống nhất giữa các bên, lãnh đạo Chi cục PCTNXH đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM để thẩm tra, xác minh. Điều đáng nói là hồ sơ vụ việc đã chuyển lên từ tháng 8-2007 nhưng cho đến nay, thanh tra sở chưa có kết luận và theo nguồn tin từ Chi cục PCTNXH, cán bộ bị tố cáo là Trương Minh Phúc vẫn tiếp tục được bố trí công tác tại Phòng Quản lý cai nghiện phục hồi. Tiếp xúc với phóng viên, nhiều cán bộ nhân viên trong chi cục tỏ ra rất bất bình về chuyện này và mong muốn sớm có kết luận chính thức để trừng trị những kẻ coi thường pháp luật.
NGỌC LỮ
Ngày 9-11, Sở LĐTB-XH có công văn gửi UBND TPHCM đề nghị hỗ trợ điều tra xử lý một số vụ việc môi giới chạy thủ tục bảo lãnh cho học viên cai nghiện ma túy-mại dâm tái hòa nhập cộng đồng. Ngày 16-11, Văn phòng UBND TP có văn bản chỉ đạo chính thức của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài. Theo đó, giao Công an TP phối hợp cùng Sở LĐTB-XH điều tra xác minh làm rõ một số vụ việc tiêu cực thông qua hoạt động môi giới, “chạy” thủ tục bảo lãnh học viên… có báo cáo kết quả và đề xuất hướng xử lý cho Thường trực UBND TP. |