Đòn mạnh!

Theo trang Asia Times, Ấn Độ sắp tới dự kiến thực thi một chỉ thị an ninh quốc gia mới nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống mạng di động 5G của nước này. Theo đó, chính phủ sẽ công bố một danh sách được gọi là “các nguồn tin cậy” và các “sản phẩm tin cậy”.
Đòn mạnh!

Phó cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ sẽ đứng đầu một Ủy ban an ninh quốc gia về viễn thông - cơ quan quyết định về danh sách các nguồn và sản phẩm tin cậy mà một số nguồn tin cho biết sẽ ưu tiên cho các thiết bị được sản xuất trong nước. Các nhà cung cấp viễn thông sẽ phải sử dụng các thiết bị này.

Chỉ thị an ninh mới được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ công bố kế hoạch đấu giá phổ tần cho các dịch vụ di động thương mại có hiệu lực trong 20 năm, trị giá 53 tỷ USD. Việc thu được phổ tần rất quan trọng với 3 nhà cung cấp viễn thông hàng đầu của Ấn Độ là Reliance Jio Infocomm, Bharti Airtel và Vodafone-Idea khi họ muốn triển khai mạng 5G.

Viện Nghiên cứu McKinsey Global nhận định, hoàn toàn dễ hiểu khi Ấn Độ ngày càng quan tâm đến đảm bảo an toàn dữ liệu bởi sử dụng kỹ thuật số đang phát triển với tốc độ chóng mặt ở quốc gia Nam Á này. Lượng người sử dụng Internet sẽ tăng lên gần 800 triệu vào năm 2023, trong khi số lượng điện thoại thông minh cũng đạt con số 700 triệu cùng năm. Đó là chưa kể đến 1,2 tỷ người Ấn Độ đã đăng ký tham gia hệ thống định danh cá nhân bằng sinh trắc học.

Dù Chính phủ Ấn Độ cho biết quy định mới không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào nhưng giới quan sát đều cho rằng các biện pháp mới của New Delhi nhằm tránh để các nhà cung cấp thiết bị 5G của Trung Quốc tiếp cận thị trường Ấn Độ màu mỡ.

Theo McKinsey Global, vào năm 2025, giá trị các lĩnh vực kỹ thuật số cốt lõi như công nghệ thông tin và quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ truyền thông kỹ thuật số và sản xuất thiết bị điện tử có thể tăng lên từ 355-435 tỷ USD ở Ấn Độ.

Với các lĩnh vực mới được số hóa gồm nông nghiệp, giáo dục, năng lượng, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, logistics và bán lẻ…, mỗi lĩnh vực có thể tạo ra tới 150 tỷ USD cũng vào năm này. Nhà nghiên cứu Rajnath Yadav của Công ty Choice Broking ở Mumbai (Ấn Độ) nhận định: “Trung Quốc - nhà xuất khẩu phần cứng viễn thông toàn cầu, sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này”. 

Trước đó, Trung Quốc đã phải đối mặt với hàng loạt rào cản khác do Ấn Độ đặt ra. Vào tháng 2, Ấn Độ đã đưa ra các hạn chế đối với việc Trung Quốc đầu tư vào các ngân hàng địa phương mà không được chấp thuận trước.

Tháng 7, New Delhi hạn chế đầu tư FDI từ các quốc gia có biên giới trên bộ với Ấn Độ mà không nêu tên bất kỳ quốc gia nào dù Trung Quốc là nước duy nhất đầu tư đáng kể vào nước này. Tháng 6, với lý do lo ngại về bảo mật, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có TikTok, sau đó là lệnh cấm đối với 47 ứng dụng khác vào tháng 7. Sau xung đột giữa 2 nước tại Ladakh vừa qua, Ấn Độ đã không cho các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tham gia vào các dự án địa phương.

Nếu quy định mới sắp tới được New Delhi thực thi, Bắc Kinh thực sự sẽ phải nhận một “đòn mạnh” bởi Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia hiện đã quay lưng với các nhà cung cấp thiết bị 5G của Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục